6 smartphone chụp hình ấn tượng 2016
Samsung Galaxy S7 edge
Galaxy S7 edge được nâng cấp mạnh về máy ảnh, mặc dù độ phân giải giảm chỉ còn 12 megapixel. Máy có ống kính khẩu độ f/1.7. Với khẩu độ mở lớn, máy ảnh điện thoại thu được nhiều ánh sáng hơn, giúp chụp hình thiếu sáng tốt và đẹp hơn.
Samsung Galaxy S7 edge là smartphone đầu tiên được trang bị tính năng lấy nét tự động Dual Pixel, công nghệ mang từ máy ảnh kỹ thuật số chuyên nghiệp sang, giúp lấy nét nhanh và dễ trong cả những điều kiện ánh sáng phức tạp hay ánh sáng yếu.
Một tính năng hoàn toàn mới khác chỉ có trên Galaxy S7 edge là Motion Panorama - cho phép quay video theo định dạng Panorama. Đây là sự kết hợp thú vị bởi hình ảnh Panorama bình thường sẽ làm cho vật thể chuyển động trong đó bị biến dạng, còn video lại dễ dàng chuyển hướng hình ảnh. Galaxy S7 edge là smartphone đầu tiên được trang bị Hyperlapse sẵn trong ứng dụng camera.
S7 edge lấy nét nhanh và chính xác ngay cả trong điều kiện thiếu sáng, hình ảnh luôn sáng rõ với màu sắc rực rỡ, tuy nhiên, khi chụp thiếu sáng, ảnh hay bị bệt màu do máy khử nhiễu mạnh khi chụp bằng chế độ tự động. Những người có kiến thức về nhiếp ảnh, khi sử dụng S7 nên dùng chế độ Pro Mode để có hình ảnh chất lượng tốt nhất, cùng với việc lưu lại file RAW giúp cho việc chỉnh sửa dễ dàng và thuận tiện hơn.
iPhone 7 Plus
Nâng cấp lớn nhất và cũng là lý do chính khiến nhiều người quyết định chọn mua iPhone 7 Plus thay vì iPhone 7 là camera kép. Hệ thống camera của iPhone 7 Plus bao gồm một camera tiêu cự 28mm độ mở f/1.8 và một camera tiêu cự 56mm độ mở f/2.8. Bình thường, máy sử dụng camera góc rộng cho mọi trường hợp và chỉ kích hoạt camera còn lại khi người dùng zoom tới mức 2x hoặc bật chế độ chụp chân dung. Ưu điểm này giúp máy chụp được xa hơn với góc tương đương 56mm và không làm giảm chất lượng ảnh như zoom kỹ thuật số thông thường.
Khác biệt rõ nhất trên iPhone 7 Plus là khả năng chụp tối tốt hơn, ảnh chụp bởi model mới đã có thể hiện được chi tiết, sáng hơn và ít nhiễu. Tuy nhiên, sự tiến bộ chỉ có thể coi là vượt bậc so với thế hệ trước bởi khả năng chụp tối của iPhone 7 Plus vẫn chưa thể tốt hơn HTC 10 hay Galaxy S7 edge. Ngoài ra, chế độ zoom quang 2x cũng không thể sử dụng trong điều kiện chụp tối. Việc xử lý zoom kỹ thuật số với ống kính góc rộng cũng cho kết quả không tốt.
Ở một số thử nghiệm chế độ chụp chân dung với hậu cảnh "sạch" và xa chủ thể chính, ánh sáng tốt, hiệu ứng do máy tạo ra gây sự bất ngờ lớn. Phông nền được xóa tự nhiên và có sự phân biệt giữa vùng gần và vùng xa khá rõ. Độ tương phản và màu sắc cũng được xử lý tăng nhẹ, giúp nổi khối chủ thể. Về khả năng chụp chân dung xóa phông, iPhone 7 Plus là model làm tốt nhất hiện nay và bỏ khá xa các model còn lại.
Lenovo Moto Z
Tương tự các smartphone cao cấp hiện nay, Moto Z sử dụng cảm biến 13 megapixel với ống kính khẩu độ nhỏ f/1.8 với các công nghệ hỗ trợ chụp hình tốt nhất hiện nay như chống rung quang học, lấy nét theo pha và cả cảm biến laser hỗ trợ lấy nét.
Máy lấy nét nhanh và chính xác ngay cả trong điều kiện thiếu sáng, hình ảnh luôn sáng rõ với màu sắc rực rỡ, tuy nhiên, khi chụp thiếu sáng, ảnh hay bị bệt màu do máy khử nhiễu mạnh khi chụp bằng chế độ tự động. Những người có kiến thức về nhiếp ảnh, khi sử dụng máy nên dùng chế độ chỉnh tay để có hình ảnh chất lượng tốt nhất.
Bên cạnh đó, Moto còn có phụ kiện Hasselblad TrueZoom - một máy ảnh compact với cảm biến 12 megapixel và ống kính zoom quang học 10x. Sản phẩm này cũng nằm trong bộ sưu tập “4416” kỷ niệm 75 năm của hãng Hasselblad danh tiếng.
HTC 10
Không còn chạy theo số "chấm" như trên One M9, HTC quay trở lại với công nghệ ultrapixel trên camera sau nhưng nâng độ phân giải lên 12 megapixel, mức vừa đủ giống như nhiều smartphone cao cấp hiện nay. Các trang bị được hãng thông báo đều rất đáng giá, như ống kính độ mở f/1.8, khả năng lấy nét bằng laser, tốc độ lấy nét chỉ 0,2 giây, chống rung quang học và khả năng quay video 4K.
Những nỗ lực của HTC đã có những thành quả rất sớm khi trang web uy tín chuyên đánh giá máy ảnh là DxoMark chấm 88 điểm. Con số này bỏ khá xa iPhone 6s (82 điểm), iPhone 6s Plus (84 điểm) và tương đương với Galaxy S7 edge. Đây là kết quả gây nhiều bất ngờ bởi các thế hệ smartphone trước đây của HTC đều không được đánh giá cao về camera.
Ảnh chụp bởi HTC 10 đem đến tông màu rất riêng, khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt nhưng đo sáng đôi khi bị nhầm lẫn.
Huawei P9
Huawei P9 sử dụng camera kép độ phân giải 12 megapixel. Hệ thống camera kép của Huawei khác hẳn so với truyền thống khi nó gồm 2 camera riêng biệt, một chuyên chụp ảnh màu và một chụp hình đen trắng. Cả hai đều dùng ống kính Leica Elmarit với khẩu độ f/2.2 và góc tương đương 27mm. Hệ thống camera kép cùng tính năng lấy nét theo pha sẽ giúp cho điện thoại lấy nét nhanh hơn.
Với camera chụp ảnh màu, P9 cho hình ảnh sắc nét cùng màu sắc trung thực, bên cạnh đó, tính năng giả lập khẩu độ giúp máy xoá phông ấn tượng hơn so với các model khác. Ngoài ra, Huawei cũng trang bị tính năng chỉnh tay giúp người dùng có kiến thức về nhiếp ảnh chụp được hình ảnh theo ý muốn, còn những người không rành về nhiếp ảnh thì sử dụng luôn các tính năng phơi sáng tự động hay chụp đêm. Tuy nhiên, khi dùng các chức năng chụp này, cần sử dụng chân đế để chống rung.
Còn với camera thứ 2 chụp đen trắng, Huawei sử dụng cảm biến riêng không có bộ lọc màu giúp cho hình ảnh đen trắng có độ chi tiết và tương phản cao hơn, bên cạnh đó, sự chuyển đổi giữa hai màu đen trắng mượt mà giúp hình ảnh đẹp, có hồn hơn.
Sony Xperia XZ
Độ phân giải camera của Xperia XZ vẫn là 23 megapixel giống như trên Xperia Z5, tuy nhiên, cảm biến lớn gấp 2,6 lần. Đây cũng là smartphone đầu tiên của Sony được trang bị công nghệ chống rung điện tử 5 trục bện cạnh công nghệ lấy nét lai hỗ trợ tiên đoán chủ thể cùng cảm biến laser. Bên cạnh đó, máy cũng tích hợp cảm biến đo màu sắc RGBC-IR, giúp cân bằng trắng tốt hơn. Giao diện camera đơn giản, dễ sử dụng, chế độ chỉnh tay có thêm tính năng lấy nét tay và tuỳ chỉnh tốc độ cho phép phơi sáng một giây - dù vẫn thấp so với các smartphone khác nhưng đã giúp chụp đêm tốt hơn.
Việc kích hoạt camera rất nhanh, chỉ mất 0,6 giây, bằng nút bấm riêng hoặc nhấn đúp nút nguồn. Ở chế độ tự động, máy lấy nét và chụp nhanh, nhưng giống các smartphone Sony khác, chế độ chụp tự động vẫn chưa tốt, hình ảnh chụp được dư sáng trong nhiều trường hợp, một số trường hợp chụp tối hình ảnh bị bệt. Tuy nhiên khi chuyển sang chế độ chụp chỉnh tay, với những người có kiến thức cơ bản về chụp hình, camera của XZ cho chất lượng hình ấn tượng với hình ảnh sắc nét cùng màu sắc chính xác.