Thổ Nhĩ Kỳ chặn mạng xã hội sau vụ ám sát Đại sứ Nga
Theo Turkey Block, tổ chức quản lý việc kiểm duyệt dữ liệu theo thời gian thực tại Thổ Nhĩ Kỳ thì bắt đầu từ 8h45 tối (giờ địa phương) hôm xảy ra vụ ám sát, “tốc độ truy cập Facebook, Twitter, YouTube và WhatsApp bị chậm lại một cách nghiêm trọng. Nhưng nó chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận người sử dụng Internet chứ không phải là tất cả”.
Hệ quả của nó khiến cho các mạng xã hội này gần như không thể sử dụng. Tuy nhiên, công ty cung cấp mạng Internet lớn nhất tại quốc gia này là TTNet và các nhà mạng di động lại không bị ảnh hưởng.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng biện pháp mạnh để chặn mạng xã hội sau vụ ám sát. |
"Lệnh cấm đã được gỡ bỏ vào khoảng 6 giờ sáng giờ địa phương, sau hôm diễn ra vụ ám sát", Alp Toker, nhà sáng lập TurkeyBlock trả lời tờ TechCrunch qua thư điện tử.
Cũng theo Toker, việc cấm sử dụng các mạng xã hội là hành động bất thường bởi lâu nay, dù bị hạn chế, người dùng vẫn có thể sử dụng các mạng xã hội bình thường. Một phần do các nhà mạng lơi lỏng hoặc bỏ qua các yêu cầu cấm đoán từ phía nhà cầm quyền. Trong cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, nhà mạng Turkcell thậm chí đã lên tiếng chống lại yêu cầu hạn chế dịch vụ từ phía chính phủ.
Ngoài động thái chặn mạng xã hội, chính quyền quốc gia này còn đang thực hiện việc chặn hoàn toàn Tor, mạng ẩn danh giúp người dùng vượt qua sự kiểm duyệt Internet trên toàn bộ lãnh thổ.
Tor có biểu tượng là một củ hành tây bị cắt dở. |
Tor, là viết tắt của cụm từ The Onion Router, là một phần mềm mã nguồn mở và miễn phí. Nó có tác dụng xóa dấu vết, ẩn địa chỉ IP xuất xứ của máy truy cập Internet khi gửi hay nhận thông tin qua mạng. Các thông tin trao đổi qua Tor được mã hóa và truyền qua nhiều máy chủ trung gian khác nhau.
Nếu một máy trung gian Tor bị truy cập trộm, kẻ trộm cũng không thể đọc được thông tin của người sử dụng do các thông tin đã được mã hóa. Nó được cho là sản phẩm do cơ quan tình báo Mỹ (CIA) tạo ra và hoàn hảo tới mức chính những người sáng tạo ra nó cũng không có cách nào phá giải.
Hệ thống này khá phổ biến ở nhiều quốc gia như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chính phủ bị cáo buộc là đang theo dõi các hoạt động của công dân nước mình trên mạng. Khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hạn chế và kiểm soát việc truy cập Internet, nhiều người đã thay đổi cách kết nối thông qua Tor.
Theo Turkey Blocks, chính phủ nước này đã ra lệnh cho các nhà mạng bắt đầu chặn VPN và Tor vào đầu tháng 12. Để gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp, nhà cầm quyền buộc họ phải hành động bằng cách yêu cầu cập nhật hàng tuần về "sự thành công" của các biện pháp này.
Một hệ thống phức tạp đã được đưa vào vận hành nhằm phát hiện những người đang cố gắng kết nối với Tor. Họ kiểm tra các gói dữ liệu để tìm kiếm những ký tự đặc biệt, thứ được cho là sử dụng bởi những người đang truy cập mạng bằng công cụ ẩn danh. Tuy nhiên, nhóm giám sát cho rằng người dùng vẫn có cách để truy cập mạng thông qua một cầu nối khác, bất chấp việc chặn Tor hay những biện pháp đang được áp dụng.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có truyền thống cắt quyền truy cập vào các trang web và dịch vụ thông tin của người dân, đặc biệt là trong thời kỳ bất ổn xã hội.