4G sẽ tạo 'xa lộ thông tin' để phát triển nội dung số
Tại sự kiện Internet Day, diễn ra ngày 21/12 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, với lợi thế nguồn nhân lực trẻ, số lượng điện thoại thông minh và thuê bao 3G tăng mạnh theo từng năm, hạ tầng Internet và băng rộng di động phát triển rộng khắp, Việt Nam đang được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp nội dung số.
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng khi nội dung số chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong cơ cấu thu nhập toàn ngành công nghệ thông tin, số lượng công ty trong lĩnh vực này nhiều nhưng đa số có quy mô vừa và nhỏ, những sản phẩm đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường còn khiêm tốn. Thứ trưởng cho rằng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp viễn thông cần thay đổi quan điểm phát triển dịch vụ, thay vì cạnh tranh với chính các doanh nghiệp nội dung số nhỏ lẻ, cần xây dựng một thị trường cạnh tranh lớn trên nền tảng của mình, mang đến cơ hội phát triển bền vững, sẵn sàng bước chân vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tin rằng Internet ở Việt Nam đang có những bước ngoặt quan trọng, nhất là khi các nhà mạng đã được cấp phép và bắt đầu triển khai dịch vụ 4G từ năm 2016. Cùng với sự phổ biến của smartphone, Internet băng rộng di động sẽ tạo ra xa lộ thông tin để phát triển mạnh nội dung số, mang đến cho người dùng những dịch vụ phong phú với tốc độ gấp vài lần hiện nay.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, cho rằng nội dung số sẽ bùng nổ thời gian tới khi 4G đã chính thức được triển khai. |
Tuy nhiên, theo ông Jong Hyun Park, đại diện Dasan Zhone Solutions, để xây dựng một ngành công nghiệp nội dung số mạnh và lâu dài thì cần chính sách cởi mở hơn từ chính phủ và quan trọng là nhận thức đúng đắn vấn đề bảo mật khi xây dựng cơ sở hạ tầng Internet. "Các doanh nghiệp Việt Nam cần cân nhắc kỹ trong mọi quyết định đầu tư vào cơ sở hạ tầng vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn thông tin của doanh nghiệp, khách hàng và xa hơn nữa là an ninh quốc gia. Bảo mật không còn là một tiêu chí để lựa chọn và càng không phải vấn đề cần cân nhắc trong mỗi quyết định đầu tư vì đã là cấu phần không thể thiếu trong hệ thống hạ tầng và dịch vụ", ông Park khuyến cáo.
Nội dung số là khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời đại bùng nổ thông tin. Trong giai đoạn 2008-2014, doanh thu ngành công nghiệp nội dung số tăng từ 480 triệu USD lên 1,4 tỷ USD với mức tăng trưởng gần 20% mỗi năm, đóng góp doanh thu lớn cho lĩnh vực CNTT và truyền thông.
Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư được khẳng định đang diễn ra với sự tham gia của công nghệ vật lý, kỹ thuật số, sinh học. Ở thế hệ công nghiệp 4.0 này, vạn vật sẽ được kết nối (Internet of Things) và giao thoa thực ảo. Trước đó, thế giới đã trải qua ba cuộc cách mạng lớn là cách mạng công nghiệp cơ khí chạy bằng hơi nước từ năm 1784, cuộc cách mạng sử dụng điện năng để sản xuất quy mô lớn từ năm 1870 và cuộc cách mạng tự động hóa sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử từ năm 1969.