'Tấn công mạng được cung cấp như dịch vụ CNTT đa quốc gia'
Tại sự kiện Ngày An toàn thông tin (ATTT) diễn ra sáng 2/12 ở Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay vấn đề an toàn thông tin đang trở nên rất phức tạp, mang thêm màu sắc chính trị với nhiều cuộc tấn công quy mô lớn.
"Đây là xu hướng tất yếu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thế giới ngầm của các hacker hoạt động chuyên nghiệp với các công cụ, vũ khí tấn công được xây dựng bởi những lực lượng có chuyên môn cao, đầu tư lớn và bài bản, thậm chí được cung cấp như một dịch vụ CNTT ở quy mô xuyên quốc gia", đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Nhiều cáo buộc về việc can thiệp, làm mất an toàn thông tin giữa các quốc gia đã xuất hiện, nhưng hiện vấn đề xung đột mạng vẫn còn mới mẻ và chưa được quy định chặt chẽ, chưa chính thức có hiệp ước hay luật quốc tế nào về an toàn an ninh mạng ra đời.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho biết hacker đang cung cấp dịch vụ tấn công mạng theo đơn đặt hàng một cách chuyên nghiệp. |
Theo ông Jong Hyun Park, đại diện Dasan Zhone Solutions, khi công nghệ ngày một phát triển, an toàn thông tin trở thành mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt trong ngành viễn thông vì có thể dẫn đến sự đe dọa an ninh một quốc gia. Rủi ro về bảo mật có thể đến bất kỳ lúc nào, có thể từ một thiết bị kết nối Internet đơn giản nếu người dùng không có nhận thức đúng đắn ngay từ đầu. Các tổ chức, doanh nghiệp cần phòng ngừa, như triển khai giải pháp phát hiện cảnh báo, ngăn chặn và loại bỏ kịp thời các rủi ro tiềm ẩn từ bên trong tổ chức.
Tại sự kiện, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cũng công bố, Chỉ số An toàn thông tin Việt Nam 2016 đạt 59,9% - lần đầu tiên vượt ngưỡng trung bình (50%) và tăng 13,5% so với năm 2015.
Ông Vũ Quốc Khánh, Ủy viên Ban chấp hành VNISA, kỳ vọng chỉ số này tiếp tục tăng lên trên 60% năm tới, khi hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng đã dần hoàn thiện. Hầu hết các yếu tố cấu thành Chỉ số ATTT Việt Nam 2016 đều tăng, nhất là về nhận thức, sự hiểu biết và áp dụng công nghệ đảm bảo ATTT của các tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Jong Hyun Park cho hay nhiều công ty đã áp dụng những giải pháp, thiết bị phù hợp nhằm hạn chế rủi ro, nhưng việc nâng cao nhận thức mới là điều cần nhất với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam lúc này. Đặc biệt, họ cần hiểu rằng xu hướng Internet vạn vật (IoT) là một cuộc cách mạng số không thể chối cãi với những cơ hội rất lớn nhưng đi kèm không ít rủi ro.