Một trò chơi được quân đội Trung Quốc quan tâm đặc biệt
Trò chơi được thiết kế nhằm truyền đi hình ảnh về người trẻ vui vẻ chơi game, nhập vai những người lính trong thế giới ảo, tham gia vào các chiến trường khác nhau để bảo vệ tổ quốc. Các loại vũ khí, quân dụng, đồng phục của quân đội Trung Quốc trong game đều được tái hiện giống với nguyên mẫu, từ các loại đã không còn được sử dụng cho tới những khí tài quân sự mới nhất.
Khi ra mắt, nội dung chính của game tập trung vào cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc về một nhóm đảo tranh chấp chủ quyền và đã gây ra nhiều tranh cãi gay gắt. Sau đó, game đã được cái tiến thêm nhiều nội dung hơn. Nhưng mỗi khi có xung đột chính trị nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trò chơi lại được nhắc tới và có số lượng người chơi tăng đột biến.
Báo chí Nga cho rằng kẻ thù thuộc phe đối lập trong trò chơi mô phỏng hình ảnh lính Mỹ và đồng minh. Đáp lại, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng trò chơi không có nội dung chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Hình ảnh minh họa hiển thị trên trang chủ của trò chơi. |
Glorious Mission vẫn được vận hành và quảng bá trong gần 5 năm qua, với các bản cập nhật đều đặn, thu hút hàng triệu game thủ trải nghiệm. Một số chế độ chơi mới xuất hiện gần đây như màn chơi chỉ cho sử dụng súng phóng lựu, chỉ cho dùng súng shotgun, dùng súng ngắm hay chế độ Big Head (nhân vật có đầu to ngoại cỡ để dễ bị nhắm trúng).
Chia sẻ với báo giới, đại diện phía quân đội Trung Quốc từng thừa nhận đây là trò chơi được hỗ trợ phát triển rất "nhiệt tình", nhằm mục đích đào tạo và giải trí. Trong giai đoạn xây dựng hình ảnh đồ họa nhân vật, vũ khí cho game, hãng phát triển sử dụng công nghệ chụp chuyển động 3D. Khi được yêu cầu giúp đỡ, quân khu Nam Kinh (một trong bảy đại quân khu lớn của Trung Quốc) đã ngay lập tức gửi một đơn vị đặc biệt tới để giúp đội làm game trong vòng 6 tháng. Các nhà phát triển được tiếp xúc với đủ các loại vũ khí, khí tài quân sự từ trước tới nay để lấy thông tin tư liệu. Tiếng súng và âm thanh của binh lính trong game cũng được đảm bảo là thu âm từ thực tế.
Các chuyên gia quân sự cũng ăn ở, làm việc cùng đội ngũ phát triển để góp ý và hoàn thiện sản phẩm. Ngoài phiên bản phát hành ra cộng đồng, game còn một bản quân sự để phục vụ mục đích huấn luyện, đào tạo riêng cho quân đội.
Video giới thiệu trò chơi.
Gu Kai, phó chủ tịch của công ty Giant Interactive, đơn vị phát triển game nói rằng trò chơi sẽ giúp mang lại đội ngũ tân binh mới đầy triển vọng. Vị đại diện này cũng ví mối quan hệ của công ty với quân đội giống như mối quan hệ giữa quân đội Mỹ và Hollywood.
"Hầu hết các chàng trai trẻ, từ tận đáy lòng của họ, muốn trở thành một người lính. Họ muốn chiến đấu, muốn giành chiến thắng và nếu trò chơi này có thể biến ước mơ đó trở thành sự thật, tôi sẽ không ngạc nhiên", ông chia sẻ.
Công tác tuyên truyền cho sản phẩm game này cũng xuất hiện ở nhiều nơi, phô trương hoặc kín đáo. Một trong nhiều nội dung chính thường được đề cập là "tái tạo bầu không khí rực lửa của môi trường quân đội".
Trên trang chủ của mình, ngoài các sự kiện liên quan tới dịp lễ hội, ngày kỷ niệm hay quốc khánh được quảng bá đều đặn, người chơi còn được cập nhật các thông tin liên quan tới quốc phòng, quân sự và vũ khí với nội dung chọn lọc, tôn vinh giới quân sự nước nhà.
Và trong khi trên thị trường có hàng chục game bắn súng cùng thể loại đang tồn tại, Glorious Mission vẫn ưu ái được lựa chọn làm đại diện tham dự một số giải đấu game lớn tại Trung Quốc.
Trò chơi thường xuyên được quảng bá tại các sự kiện, giải đấu game lớn ở Trung Quốc. |
Một game thủ, người dành hơn 10 tiếng mỗi tuần tại một quán Internet tại Thượng Hải, chia sẻ rằng các trò chơi trực tuyến có thể là một công cụ tốt để ảnh hưởng tới suy nghĩ và ý tưởng của tầng lớp thanh thiếu niên.
"Hầu hết các game thủ còn rất trẻ. Một trò chơi có nội dung quân sự có thể làm cho họ cảm thấy quen thuộc và sau đó có thiện cảm với quân đội", anh nói.
Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên thiết kế các trò chơi cho mục đích huấn luyện quân sự. Năm 2008, quân đội Mỹ đã đầu từ 50 triệu USD để phát triển trò chơi có nội dung tương tự. Tuy nhiên, chúng mang nội dung huấn luyện và đào tạo nhiều hơn tuyên truyền, đồng thời không được phát hành ra công chúng.