'Nghề' chơi game
Nguyễn Đức Bình (1996), còn được biết tới với biệt danh Chim Sẻ Đi Nắng, là một game thủ AOE (Age of Empires) có tiếng, sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất.
Ngoài mức lương 4 triệu một tháng được đơn vị chủ quản chi trả, game thủ này còn có thêm thu nhập khi tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế. Chỉ với hai sự kiện tại Trung Quốc vào tháng 5 và tháng 10 vừa qua, tổng số tiền Bình kiếm được lên tới cả trăm triệu đồng. Với các giải đấu trong nước, game thủ này cũng thường xuyên xuất hiện trên bục nhận thưởng.
"Hiện tại mình vẫn theo đuổi AOE vì đam mê và chưa nghĩ tới thời điểm kết thúc. Còn gắn bó là còn theo đuổi. Dẫu vậy, vẫn phải phân bổ thời gian hiện tại của việc học, chơi một cách hợp lý", Bình chia sẻ.
Bình là một ví dụ điển hình về người làm "nghề" chơi game.
Các giải đấu game chuyên nghiệp đang được tổ chức với phần thưởng lên tới hàng trăm triệu đồng. |
Ở Việt Nam, nghề chơi game tạm chia thành hai nhóm là các game thủ thuộc biên chế trong những đội chuyên nghiệp, có nhà tài trợ, được trả lương và nhiệm vụ chính là tham gia các giải đấu để lấy thành tích. Nhóm còn lại là các game thủ tự do, với nguồn thu nhập đến từ việc "cày thuê" (chơi hộ tài khoản game của người khác), mua bán tài khoản trong game hoặc quảng cáo cho các thương hiệu đồ điện tử, trò chơi dựa trên lượng người theo dõi đông đảo. Các game thủ đều phải dành nhiều tiếng mỗi ngày để luyện tập hoặc phát sóng trực tiếp quá trình chơi game của mình cho khán giả.
Các nhà phát hành không thích các game thủ "cày thuê" bởi cho rằng việc làm này phá vỡ sự công bằng trong trò chơi. Do đó các game thủ nhóm một không được "cày thuê" hay mua bán tài khoản, còn game thủ nhóm 2 thường không được tham dự các giải đấu chính quy. Việc bán quảng cáo của game thủ chuyên nghiệp thường phải được sự chấp thuận từ đơn vị quản lý. Đã có trường hợp game thủ chuyên nghiệp từ bỏ sự nghiệp thi đấu để rẽ sang hướng "cày thuê".
Nguyễn Duy Phương, được biết tới với biệt danh "Trâu cày thuê", là người làm nghề chơi game thuộc nhóm 2. Trước khi theo đuổi công việc này, Phương là công nhân. Nghề chơi game đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh. Giờ đây, game thủ này đã chuyên nghiệp hóa công việc của mình khi thành lập một "tập đoàn cày thuê".
"Nó còn hơn cả một nghề và mình đang tạo điều kiện cho 15 người có thu nhập ổn định. Mỗi tháng bọn mình có thu nhập khoảng 100 triệu đồng để lo cho anh em. Dù bị phản đối, mình cho rằng việc 'cày thuê' cũng đem lại lợi ích nào đó cho mọi người, nhờ đó mà bọn mình được không ít người ủng hộ", Phương cho biết.
Còn Lê Quang Duy (1998), được biết tới với biệt danh SofM, từng là một game thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam. Được giới chuyên môn quốc tế chú ý, tháng 5/2016, Duy đã được một đội game ở Trung Quốc mời gọi và đã ra nước ngoài làm việc.
Hầu hết các game thủ đều đã nghỉ học trước khi bước chân "theo nghề", còn nếu đang học thì rất khó duy trì ổn định, bởi lịch luyện tập cũng như thi đấu sẽ chiếm phần lớn thời gian. Nhiều game thủ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, lựa chọn nghề game như kế sinh nhai để thoát nghèo.
Quang Duy sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã không lựa chọn con đường đại học tại Việt Nam mà theo đuổi đam mê, ra nước ngoài thi đấu. Nguyễn Đức Bình được xem là trường hợp cá biệt, khi vẫn duy trì được học lực trung bình ở bậc đại học. Điều này có được một phần dựa vào sự quản lý sát sao của gia đình và nhà trường, dựa trên các hợp đồng ràng buộc về thời gian được chơi, phải học của anh chàng này.