Cánh cửa để ngỏ cho BlackBerry
Từ một văn phòng nhỏ ở Waterloo, Ontario (Canada), BlackBerry vươn mình trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới, một biểu tượng mà không ít hãng điện thoại từng mơ ước đạt được.
Nhưng vinh quang rồi cũng qua mau. Công ty từng thống trị thị trường điện thoại thông minh đã trượt dốc và bị chính những đối thủ họ từng đánh giá thấp vượt qua. Sau khi đạt đỉnh 52,3 triệu máy được tiêu thụ năm 2011, BlackBerry chỉ còn bán được 3,2 triệu điện thoại trong năm tài khóa gần nhất.
Ngày 28/9, BlackBerry tuyên bố đóng cửa bộ phận phần cứng, từ bỏ việc thiết kế, sản xuất điện thoại và chuyển hoàn toàn cho đối tác nhằm tiết kiệm chi phí nghiên cứu.
Trước tình hình kinh doanh ảm đạm, quyết định mới của BlackBerry được đánh giá là dũng cảm. Sau khi thông tin được đưa ra, cổ phiếu của hãng lập tức tăng 5% lên 8,36 USD. BlackBerry cũng cho biết, mảng phần mềm và dịch vụ đạt doanh thu 334 triệu USD trong quý vừa qua, tăng tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy rõ vì sao BlackBerry lại buông mảng phần cứng.
Ảnh: Techfrag. |
BlackBerry được hai sinh viên ngành kỹ thuật Mike Lazaridis và Douglas Fregin thành lập năm 1984. Trong nhiều năm, họ cho ra đời các sản phẩm công nghệ sáng tạo, tiên phong như máy nhắn tin hai chiều, thiết bị e-mail... đồng thời tạo dựng cơ sở người dùng hùng hậu, nhiều trong số đó được gọi là "tín đồ", "fan cuồng".
Câu chuyện đã rẽ sang hướng khác kể từ năm 2007. Khi ấy, BlackBerry không nhận ra mối nguy lớn đến từ iPhone. Họ cũng đánh giá thấp các đối thủ chuyên sản xuất thiết bị giá rẻ ở châu Á.
BlackBerry không phải công ty duy nhất chịu hậu quả vì "tảng lờ" iPhone, hoặc có nhận ra nhưng lại thay đổi quá chậm chạp. Nokia cũng vậy, một trong những lý do mà các kỹ sư của Nokia thời gian đầu phủ nhận iPhone vì nó không vượt qua được bài kiểm tra thả rơi liên tục từ độ cao 1,5 mét xuống sàn bê tông.
Từng là biểu tượng của giới doanh nhân thành đạt, BlackBerry cay đắng nhận ra khi khách hàng trở về nhà và tháo chiếc cà vạt cứng ngắc khỏi cổ, họ tìm đến iPhone với nhiều ứng dụng thú vị cho giải trí và công việc. BlackBerry tìm cách tiếp cận người dùng phổ thông và các thị trường mới nổi, nhưng không xoay chuyển được tình thế.
Sự chậm chạp của BlackBerry và Nokia - hai thương hiệu được rất nhiều người yêu mến - là hai câu chuyện buồn của làng di động. Ở một nơi khác, Samsung của Hàn Quốc đã lựa chọn hệ điều hành Android cùng chiến lược đánh trên mọi mặt trận từ giá rẻ đến cao cấp. Cuối năm 2008, Google phát hành phiên bản Android đầu tiên thì tới 2012, Samsung đã là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
Thị phần của BlackBerry hiện chỉ còn dưới 1%, chủ yếu nhờ nhóm người dùng trung thành sót lại. "Tôi nghĩ doanh số của họ đã tương đối thấp thời gian qua. Chúng tôi luôn tìm kiếm các cơ hội và thấy rằng đây là cơ hội lớn", Tim Cook, CEO Apple, chia sẻ với Financial Times về quyết định từ bỏ việc sản xuất điện thoại của Blackberry.
Với hướng đi mới, cánh cửa vẫn còn để ngỏ. Không ít người lạc quan rằng biết đâu, khi tình hình kinh doanh khởi sắc, BlackBerry sẽ trở lại và tung ra những điện thoại với đột phá mới, như Apple từng đứng trước nguy cơ phá sản nhưng đã thành hãng công nghệ giá trị nhất thế giới sau sự trở về của Steve Jobs.