Việt Nam hứng 127.000 vụ tấn công mạng trong 6 tháng đầu năm
Trung tâm VNCERT cho biết mỗi tuần đã phát hiện 2 triệu sự kiện an toàn thông tin cần xử lý, trong đó thường xuyên có 40.000-50.000 sự kiện nguy hiểm cần phân tích và có phương án giải quyết tức thì.
Trong điều phối ứng cứu, năm 2015, Trung tâm đã ghi nhận 31.585 sự cố, gồm sự cố Phishing (lừa đảo), Deface (thay đổi giao diện trang web) và Malware (tấn công bằng mã độc). Ngoài ra, có tới 1.451.997 lượt địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng lưới những máy tính bị điều khiển từ xa). So với năm 2014, số lượng sự cố xảy ra năm 2015 tăng 159,6%.
Còn chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm nay, con số này đã tăng gấp ba lên thành 127.630 vụ, trong đó Phishing là 8.758, Deface là 77.160 và Malware là 41.712 vụ, cho thấy mối đe dọa tới an ninh mạng Việt Nam đã ở mức báo động.
Những con số trên được công bố tại Hội nghị Giám sát, Điều phối, Ứng cứu sự cố trong xây dựng chính phủ điện tử diễn ra ngày 26/8 ở Quảng Ngãi. Sự kiện được tổ chức nhằm đưa các hoạt động giám sát, điều phối và ứng cứu sự cố an toàn mạng trở thành một trong những công việc chính trong phát triển thông tin và truyền thông tại Việt Nam.
Các vụ tấn công mạng tại Việt Nam đang tăng cao chưa từng có. |
VNCERT cho biết, nếu chiến tranh mạng toàn cầu xảy ra, hậu quả của nó sẽ là sự tê liệt tức thời trên diện rộng và là sự hủy diệt thảm khốc. Nguy cơ này đang thực sự hiện hữu và Việt Nam phải sẵn sàng để đối phó. Trung tâm đang phổ biến tới các tổ chức nhà nước và tư nhân quy trình xây dựng đội ứng cứu sự cố an toàn mạng. Việc tham gia là bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước và được mở rộng tới các thành phần ngoài nhà nước. Các cá nhân là chuyên gia trong lĩnh vực an toàn mạng cũng có thể nộp đơn xin đăng ký.
Đây là lực lượng thường trực và sẽ là đội quân tinh nhuệ luôn sẵn sàng 24/7 để bảo vệ không gian mạng Việt Nam an toàn. Sự cố tấn công Vietnam Airlines hồi cuối tháng 7 đã cho thấy tầm quan trọng của công tác điều phối ứng cứu cũng như giá trị của sự chung sức giữa các thành viên mạng lưới.
Xem thêm: Không quốc gia nào có thể đứng ngoài chiến tranh mạng