Nỗi lo thất lạc hành lý ở sân bay sắp biến mất
Theo The New York Times, năm ngoái tại Mỹ cứ khoảng 1.000 hành lý được ký gửi lại có 6,5 túi bị thất lạc. Nhiều biện pháp đã được các nhà quản lý đưa ra nhằm cải tiến hệ thống thẻ mã vạch và máy quét quang học nhằm xác định và phân loại hành lý ký gửi nhưng chưa hoàn toàn triệt để.
Có nhiều trường hợp xảy ra với thẻ mã vạch như bị rơi, nhăn, nhòe, rách hoặc đơn giản là không nằm trong đường ngắm của máy quét tự động. Khi thẻ không thể đọc được, hành lý có thể bị thất lạc. Theo ông Nick Gates, Giám đốc công ty công nghệ hàng không Sita, các máy đọc mã vạch hiện nay có tỷ lệ đọc là khoảng 80 đến 95% số hành lý. Cải thiện được độ chính xác này, tỷ lệ thất lạc hành lý chắc chắn sẽ giảm mạnh.
Đây cũng chính là lý do ngành công nghiệp hàng không cũng như một số nhà quản lý sân bay đang có ý định nâng cao tỷ lệ theo dõi cho hệ thống đọc mã vạch đã 30 năm tuổi. Họ đang thử nghiệm và áp dụng công nghệ thẻ có thể "đọc" mà không cần phải nhìn thấy.
Thất lạc hành lý là nỗi lo của nhiều hành khách. |
Hãng hàng không Delta đã lắp đặt một hệ thống sử dụng các thẻ mã vạch có thể nhận dạng qua việc nhúng tần số radio hay còn gọi là chip RFID. Các con chip phát tín hiệu được nhúng trong các thẻ giấy được sử dụng tại sân bay McCarran giúp việc kiểm tra hành lý khi di chuyển với tốc độ nhanh hơn, chính xác hơn và tỷ lệ bỏ sót giảm đáng kể.
Nhiều hãng hàng không khác như Air France (Pháp), Lufthansa (Đức) hay Qantas (Australia) cũng đang thử nghiệm phương pháp tương tự. Tuy nhiên, mới chỉ Delta Airlines là sốt sắng nhất với công nghệ này khi chi tới 50 triệu USD cho hệ thống máy quét, máy in, thẻ radio, các máy tính xử lý.
Công nghệ RFID thực tế không mới. Nó đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để theo dõi hàng hóa thông thường, như của Amazon hay các ngành công nghiệp hậu cần. Tuy nhiên, sự thay thế cho ngành hàng không lại đòi hỏi sự đồng bộ ở nhiều sân bay, hãng bay khác nhau với chi phí rất tốn kém.