Luật chơi của Trung Quốc với các công ty bản đồ
Nếu muốn xem các vị trí địa lý trực tuyến của Trung Quốc, người dùng tốt hơn hết nên tránh xa Google Maps, Ibtimes nhấn mạnh trong bài phân tích mới nhất. Dù là dịch vụ bản đồ được coi là tốt nhất hiện nay nhưng các dữ liệu về Trung Quốc tại đây thường không chính xác. Có thể lấy ví dụ một dòng sông gần biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc hoàn toàn khác so với bản đồ của chính Ấn Độ hay thế giới.
Chính phủ Trung Quốc coi dữ liệu bản đồ là vấn đề an ninh quốc gia và có các chế tài rất nghiêm ngặt. Mọi hoạt động đo đạc, thống kê bản đồ do tư nhân làm đều được coi là bất hợp pháp ở nước này kể từ năm 2002. Nếu cá nhân hay tổ chức nào muốn xuất bản bất kỳ một dữ liệu liên quan đến địa lý như đất, nước hoặc vùng lãnh thổ nào mà Trung Quốc coi là thuộc thẩm quyền của mình thì đều phải xin phép.
Trên thực tế, Trung Quốc đã xử phạt ít nhất 40 trường hợp liên quan đến vấn đề thu thập dữ liệu địa lý trong hơn 8 năm qua. Những cá nhân, tổ chức này thậm chí đến từ các viện nghiên cứu Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các sinh viên ngành địa chất từ trường Imperial College London (Anh).
Bản đồ Google Maps phiên bản sử dụng tại Trung Quốc (trên) và sử dụng tại Mỹ (dưới) là hoàn toàn khác nhau với cùng một vị trí. |
Người dùng đến du lịch tại Trung Quốc và chụp ảnh bằng một chiếc máy có tính năng GPS sẽ thấy không một thông tin vị trí nào có sẵn. Cách duy nhất để các công ty dịch vụ bản đồ trực tuyến hoạt động tại đây là phải đặt máy chủ bên trong Trung Quốc và phải đáp ứng các yêu cầu cũng như thỏa thuận về thông tin khắt khe của chính phủ.
Dịch vụ bản đồ kỹ thuật số ở Trung Quốc sử dụng dữ liệu trắc địa được phê chuẩn bởi chính phủ và có tên là GCJ-02. Một thuật toán mã hóa được thêm vào bản đồ nhằm tạo ra những hiệu số ngẫu nhiên cho cả kinh độ và vĩ độ của một tọa độ nhất định. Vì vậy, nếu người dùng xem trực tuyến bản đồ đường phố của Trung Quốc thông qua Google Maps từ nước ngoài, dữ liệu luôn sai lệch từ 50 đến 500 mét. Tuy nhiên nếu người dùng đang ở tại Trung Quốc và sử dụng bản đồ thì dữ liệu lại rất chính xác. Điều tương tự cũng xảy ra với Yahoo Maps.
Trung Quốc đang có tranh chấp với 8 nước, liên quan đến khoảng 14 vùng lãnh thổ, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Chính vì vậy, chính phủ nước này tỏ ra rất nhạy cảm với bất kỳ dữ liệu bản đồ nào không phản ánh đúng ranh giới mà họ đang tin tưởng. Theo Metrocosm, nếu xem phiên bản Trung Quốc của một bản đồ Đông Nam Á sẽ thấy nước này sở hữu rất nhiều các vùng biển ở khu vực này, bao gồm cả những nơi ở rất gần Malaysia, Việt Nam và Philippines. Google từng gặp rất nhiều rắc rối trong việc đặt tên các đảo ở vùng biển tranh chấp khi sử dụng tên theo cách gọi của Trung Quốc nhưng kể từ năm ngoái, hãng đã chuyển toàn bộ sang cách gọi quốc tế.