Chuyện khó nói về các đại sứ thương hiệu công nghệ
Brooklyn Beckham, con trai cựu danh thủ David Beckham, vừa ký với Huawei hợp đồng quảng bá smartphone Honor 8 có giá trị 132.000 USD. Huawei cho biết cậu cả nhà Beckham còn trẻ (mới 17 tuổi) và sẽ là hình mẫu tốt cho thanh thiếu niên đồng trang lứa. Brooklyn sẽ xuất hiện cạnh hai ngôi sao Hollywood là Henry Cavill và Scarlett Johansson, cùng đại sứ thương hiệu của Huawei, siêu mẫu Karlie Kloss.
Brooklyn Beckham là gương mặt quảng bá smartphone Honor 8 của Huawei. |
Cầu thủ bóng đá Lionel Messi cũng nhận quảng cáo cho Huawei với hợp đồng trị giá 6 triệu USD vào tháng 3, nhưng việc hợp tác gặp trục trặc do cầu thủ này bị kết tội trốn thuế vào tháng 7. Tại Việt Nam, ca sĩ Mỹ Tâm là đại diện cho thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Đại sứ thương hiệu là cụm từ dùng để chỉ những người nổi tiếng được trả tiền để xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo sản phẩm, trong đó có smartphone. Những năm qua, đại sứ thương hiệu là chiến lược kinh doanh mới được áp dụng bởi nhiều doanh nghiệp sản xuất điện thoại, nhưng mức độ thành công cũng khác nhau.
Một trong những sự kết hợp nổi tiếng nhất là nhóm U2 với Apple. Ban nhạc đình đám này xuất hiện trong nhiều quảng cáo iPod từ năm 2004 và cũng từng có phiên bản iPod đặc biệt có chữ ký của thành viên ban nhạc, góp phần giúp máy nghe nhạc của Apple thành công. Nhưng năm 2014, album thứ 13 của U2 tự động được tải vào tài khoản iTunes của hơn 500 triệu người dùng như một phần trong chiến dịch quảng cáo iPhone 6 dù miễn phí nhưng đã khiến nhiều khách hàng khó chịu, nhất là khi họ không thể xóa album này.
Nam diễn viên Robert Downey nổi tiếng với vai Iron Man xuất hiện trên quảng cáo HTC One M7 năm 2013 và One M9 năm 2015. Đáng tiếc khi chiến dịch trị giá tới 1 tỷ USD đã không thành công, khiến hãng điện thoại Đài Loan gặp thêm khó khăn và lép vế trước Samsung và Apple.
Các đại sứ thương hiệu có sử dụng sản phẩm do họ đại diện trong suốt thời gian hợp đồng? Rất tiếc, câu trả lời là chưa hẳn, dù họ được trả tiền để làm điều đó.
Nhiều trường hợp đại sứ thương hiệu của hãng này lại dùng sản phẩm của hãng khác, như ca sĩ Alicia Keys đăng thông điệp trên Twitter bằng iPhone dù được chọn làm giám đốc sáng tạo toàn cầu của BlackBerry năm 2013. Cô này sau đó phân bua rằng tài khoản của mình bị tin tặc đánh cắp. Hay Oprah Winfrey năm 2012 cũng gây bão khi đăng trạng thái "yêu máy tính bảng Microsoft Surface" trên Twitter bằng iPad. Cầu thủ David Beckham cũng từng bị "hớ" khi chụp ảnh selfie bằng iPhone dù đang là đại sứ thương hiệu của Motorola năm 2009.
"Việc hợp tác với người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm mang lại nhiều ưu thế. Đôi khi, bạn phải xem việc thuê đại sứ như một canh bạc bởi thói quen khó bỏ của những người này, nhưng đa phần họ sẽ mang tới doanh thu lớn và nâng cao giá trị thương hiệu nhờ tầm ảnh hưởng cũng như số lượng người hâm mộ đông đảo", Chris Green, chuyên gia phân tích công nghệ tại cơ quan truyền thông Lewis, cho biết.
Bảo Lâm (theo BBC)