Nga chưa chắc đã tấn công mạng DNC
Vụ rò rỉ 19.252 email của các quan chức DNC trên WikiLeaks dấy lên mối nghi ngờ tin tặc Nga, mà cụ thể là 2 nhóm hacker Cosy Bear và Fancy Bear (có liên hệ mật thiết với tình báo và các cơ quan quân sự Nga), là "tác giả" đứng đằng sau, mặc dù vụ việc đang được FBI điều tra. Theo Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, phụ tá đắc lực cho chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng của bà Hillary Clinton, sở dĩ có cáo buộc này là vì điện Kremlin luôn công khai ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump ngồi vào ghế Tổng thống Mỹ.
Ông Putin từng công khai ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. |
"Không thể không nghi ngờ khi mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai ủng hộ ông Trump, cũng như chỉ trích liên minh quân sự NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – thành lập sau Thế chiến thứ II nhằm chống lại sự bành trướng của Liên Xô). Ông ta thậm chí đã dùng những lời có cánh khi gọi Trump là ‘người đàn ông có tương lai tươi sáng và tài năng’. Tất nhiên, ông ta có quyền nói vậy, nhưng bằng các cuộc tấn công mạng thì không", Sanders nói.
Tuy nhiên, có một thực tế là cả DNC, FBI và các cơ quan điều tra khác vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục chứng tỏ Nga đứng đằng sau. Theo Govtech, vụ việc có thể được suy rộng hơn, một bên là Mỹ, một bên là các đối thủ bao gồm Anh, Israel, Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên và cả Nga. Đây đều là những quốc gia có một hoặc nhiều các vụ tấn công mạng nhằm vào Hoa Kỳ.
Theo Donald Vilfer, cựu chuyên gia về tội phạm máy tính của FBI và hiện là giám đốc bộ phận Kỹ thuật số của công ty an ninh mạng Califorensics, vẫn còn quá sớm để biết chắc chắn những gì đã diễn ra. "Những gì đã biết là Cosy Bear và Fancy Bear có mối quan hệ chặt chẽ với tình báo và một số cơ quan quân sự của Nga. Chưa có cơ sở khẳng định họ gây ra các cuộc tấn công. Tuy nhiên, không loại trừ một tổ chức nhà nước nào đó đã bảo trợ phát tán thông tin trên WikiLeaks nhằm các mục đích khác nhau, bao gồm việc phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Clinton và ủng hộ ông Trump", Vilfer nhận định.
Theo số liệu từ "cánh tay phải" của Quốc hội, Cơ quan thẩm định trách nhiệm của chính phủ (GAO), tiết lộ rằng, vào năm 2014, đã có hơn 67.000 xâm nhập nhằm vào các hệ thống máy tính thuộc 24 cơ quan lớn của liên bang, trong đó có Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, NASA, Bộ an ninh Nội địa… Mặc dù không chỉ đích danh, cơ quan này nhấn mạnh Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên là một trong những kẻ tấn công một cách hung hăng nhất.
Vẫn chưa chắc chắn kẻ đã tấn công mạng vào DNC là ai, tổ chức nào. |
Tháng 9 năm ngoái, một phát biểu hiếm hoi nhưng rất thành thực của giám đốc cơ quan tình báo Mỹ James Clapper, khi cho biết các biện pháp tự vệ trên không gian mạng của Mỹ đã bị vượt qua. Đây là một lời thú nhận sau khi 22 triệu dữ liệu người dùng đã bị tin tặc đánh cắp, có 19,7 triệu người là nhân viên liên bang, còn lại là người thân của họ. Thượng nghị sĩ John McCain sau đó đã tức tốc triệu tập buổi điều trần, nhưng kết quả chỉ dừng lại ở việc nghi ngờ tin tặc Trung Quốc đứng đằng sau.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ lại hối thúc FBI và CrowdStrike (thuộc DNC) đưa vụ DNC bị tấn công ra ánh sáng. Adam Schiff (Ủy ban Tình báo Hạ viện), và Dianne Feinstein (Ủy ban Tình báo Thượng viện) trong bức thư gửi Tổng thống Obama đã yêu cầu "mọi chi tiết liên quan đến vụ tấn công mạng DNC phải được công khai".
Hiện tại, những gì mà FBI thu được vẫn chưa được công bố, trong khi CrowdStrike xác nhận Fancy Bear và Cozy Bear, còn được gọi là APT28 và APT29, chính là kẻ đã thâm nhập vào hệ thống mạng của DNC nhưng còn điều tra thêm trước khi có kết luận chính thức. Ngoài ra, còn có một kẻ khác là Guccifer 2.0, tin tặc Romania, đã tấn công và công khai 261 tài liệu về bà Clinton, nhưng hắn ta khẳng định không có liên quan gì đến nước Nga, và danh tính của tên này vẫn là điều bí ẩn.
Cách tạo mật khẩu mạnh tránh bị hacker tấn công:
Bảo Lâm