Nguy cơ chiến tranh mạng Mỹ - Nga
Mỹ và Nga đang có xung đột trên mặt trận không gian mạng. |
Căng thẳng Mỹ - Nga đang ở mức báo động, liên quan đến các hoạt động tình báo và tấn công mạng, sau khi DNC bị đột nhập và lấy đi nhiều tài liệu mật. Phía Mỹ nghi ngờ Nga đã "nhúng tay" vào, khi họ phát hiện có ít nhất 2 nhóm hacker bao gồm Cosy Bear và Fancy Bear (có liên hệ mật thiết với nhà nước Nga) xâm nhập vào hệ thống.
"Nhiệm vụ của cơ quan tình báo là cố gắng tìm ra những hành vi vi phạm và người chịu trách nhiệm về nó, bất kể trong nước hay nước ngoài. Một khi các cơ quan trong nước bị đe dọa, chúng tôi sẽ có có động thái đáp trả trong giới hạn thẩm quyền của mình. Một khi nắm được manh mối, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) sẽ nhanh chóng tìm ra kẻ đã tấn công. Đó là nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhưng đó cũng là trách nhiệm mà chúng tôi đang gánh vác", Robert Joyce, Giám đốc Văn phòng Các chiến dịch Đột nhập Đặc biệt (TAO) thuộc NSA, nói với NBC News.
Tuy nhiên, Joyce từ chối thảo luận chi tiết các kế hoạch đề ra, ông chỉ tiết lộ đang cùng với FBI sử dụng "khả năng kỹ thuật và thẩm quyền pháp lý" để tấn công lại kẻ nào có mục đích lợi dụng không gian mạng để thu thập tin tức tình báo. Nhưng theo ABC News, ít nhất 3 nguồn tin tình báo đáng tin cậy khẳng định kế hoạch đã bắt đầu được thực hiện.
Mỹ cũng có những đội quân hacker trình độ cao. |
Trong khi đó, phía cơ quan tình báo Nga (FSB) tuyên bố đã có bằng chứng cho thấy đã có một số tổ chức "chuyên nghiệp" sử dụng phần mềm gián điệp nhắm mục tiêu khoảng 20 cơ quan nhà nước và các tổ chức quân sự của Nga. Mặc dù không chỉ đích danh, nhưng phía tình báo Nga nói rằng, "cơ sở hạ tầng của các thực thể bị tấn công" đã bị ảnh hưởng.
Tổ chức TAO từng được Edward Snowden tiết lộ vào năm 2013. Theo cựu nhân viên NSA, TAO là "vũ khí bí mật" mà NSA sử dụng cho các cuộc tấn công mạng bởi đây là một đơn vị có chuyên môn rất cao trong việc ngăn chặn từ hacker chuyên nghiệp cho đến hoạt động gián điệp mạng truyền thống. Ngày 25/7, trong một tweet, Snowden khẳng định không khó để NSA truy ra kẻ đã xâm nhập vào DNC, nhưng họ không công bố mà thôi.
Khi FBI vẫn đang tích cực điều tra, chính quyền Obama lại khá lưỡng lự không dám nói đích danh Nga là kẻ tấn công các cơ quan của nước mình. "Những gì chúng ta đã biết, là tin tặc Nga tấn công mạng vào nhiều hệ thống khác nhau, không riêng chính phủ. Nhưng, tất cả chỉ là rò rỉ, tôi chưa dám chắc chắn", Tổng thống Mỹ phát biểu.
Riêng về ứng viên Tổng thống Mỹ của DNC, bà Hillary Clinton, đã có động thái quyết đoán hơn, nhất là sau vụ gần 20.000 email nội bộ của quan chức đảng này bị phát tán trên WikiLeaks. "Chúng tôi biết, tình báo Nga trong đó có tin tặc, là một phần của chính phủ Nga và được kiểm soát chặt chẽ của Vladimir Putin. Việc email bị đánh cắp và phát tán trên mạng cũng do những người này đứng sau", bà Clinton cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 31/7. Tất nhiên, vụ việc chưa bao giờ được chính phủ Nga thừa nhận.
Cách thức tin tặc tấn công DDoS:
Bảo Lâm (theo IBTimes)