BlackBerry và ván bài Android giá rẻ từ Trung Quốc
Trong nỗ lực đa dạng hóa lựa chọn cho khách hàng, BlackBerry đã trình làng DTEK50, di động thuần cảm ứng chạy Android đầu tiên của hãng. Nhà sản xuất cho biết, thiết bị của họ bảo mật hơn các sản phẩm khác cùng chung nền tảng của Google, giá bán đánh vào phân khúc tầm trung.
BlackBerry DTEK50. |
Theo phân tích trên BBC, đây được coi là "bước đi đúng đắn" của BlackBerry, nhưng công ty sẽ phải đương đầu với cuộc chiến đầy khó khăn trong tương lai. "Thách thức thực sự là liệu BlackBerry có thuyết phục được người dùng chọn một sản phẩm tầm trung", nhà phân tích Nick McQuire của CCS Insight đặt câu hỏi.
"Chất Dâu đen" biến mất trên DTEK50 khi đây là một thiết bị thuần cảm ứng, vắng bóng bàn phím vật lý thường gắn liền với BlackBerry. Ngay cả khi quên đi các phím cứng, thiết kế của model này cũng không nổi bật bởi công ty tìm cách giảm chi phí sản xuất.
DTEK50 chia sẻ ngoại hình với Idol 4, smartphone được sản xuất bởi Alcatel. Thiết bị hiện thực hóa lời hứa của CEO BlackBerry John Chen rằng sẽ tung ra các di động với giá bán thấp hơn. Và để làm được điều này, BlackBerry từ một công ty chủ động về phần cứng đã bắt tay với đối tác Trung Quốc để hạ giá thành.
Phần mềm là điểm sáng duy nhất trên DTEK50. Máy được cài ứng dụng DTEK để quản lý toàn bộ các hoạt động của phần mềm trên Android, có thể thống kê quyền truy cập chi tiết của từng phần mềm vào từng phần cứng. Ngoài ra, "chất" còn lại có BlackBerry Hub, BBM...
Khảo sát trên trang CrackBerry, có 24% người nói sẽ đặt trước DTEK50, 48% chọn không và 28% chưa quyết định bây giờ. "Tín đồ" BlackBerry cho rằng đây chỉ là một sản phẩm Trung Quốc gắn mác BlackBerry và mức giá cũng không thực sự cạnh tranh so với cấu hình.
"Tín đồ" BlackBerry không hào hứng với DTEK50. |
BlackBerry từng là cái tên nổi bật trong làng điện thoại thông minh, nhưng hãng đã chậm đổi mới trong thời đại màn hình cảm ứng cỡ lớn và tích hợp giải trí đa phương tiện. Thương hiệu "Dâu đen" dần mờ nhạt trước iPhone và binh đoàn Android.
Bước chuyển mình của công ty Canada là tung ra hệ điều hành BlackBerry 10, thiết kế dành cho màn hình cảm ứng và cân bằng giữa công việc với giải trí. Song lúc này, thị trường đã được định vị với thị phần hầu hết thuộc về Apple và Google. Thừa nhận thất bại, BlackBerry tuyên bố khai tử nền tảng này.
BlackBerry ra smartphone Android đầu tiên của mình trong năm 2015. Tuy nhiên, Priv, thiết bị có màn hình lớn với bàn phím trượt, lại có giá bán cao (khoảng 18,5 triệu đồng tại Việt Nam) khiến nhiều khách hàng lắc đầu.
Người đứng đầu BlackBerry thừa nhận: "Ra điện thoại cao cấp không phải kế hoạch khôn ngoan của chúng tôi". Ông John Chen cũng xác định sẽ không tiếp tục sản xuất phần cứng, nếu nó không đem lại các khoản doanh thu bền vững.
"Thách thức lớn nhất đối với BlackBerry lúc này là làm sao cho khách hàng nghĩ rằng họ không phải một công ty sắp chết", nhà phân tích McQuire nói.
Xem thêm: Smartphone bảo mật nhất của BlackBerry xuất hiện tại Việt Nam