Huawei P9 - chiếc smartphone thú vị cho nhiếp ảnh gia
Huawei gây sự chú ý khi hợp tác Leica ra mắt P9. |
Khi Huawei công bố hợp tác với Leica trong việc sản xuất chiếc điện thoại P9, mọi con mắt của các nhiếp ảnh gia đều hướng về sản phẩm này. Không chỉ bởi sự góp mặt của thương hiệu máy ảnh "hàng hiệu" đến từ Đức, di động của Huawei còn sở hữu camera kép với một cảm biến RGB để lấy thông tin màu sắc và một cảm biến đơn sắc để có được độ chi tiết độc đáo.
Thông số về camera của P9 gần giống với các mẫu di động cao cấp khác như HTC 10, Galaxy S7 hay iPhone 6s. Cảm biến có độ phân giải 12 megapixel cho ra ảnh tỷ lệ 4:3, kích thước 3.968 x 2.976 pixel. Ngoài ra, máy còn có ống kính kép, độ mở f/2.2, góc rộng 27 mm, đèn flash kép hai tông màu và lấy nét bằng laser, độ tương phản.
Giao diện chụp hình đơn giản, dễ làm quen. |
Huawei không trang bị nút vật lý chụp hình chuyên dụng nhưng máy cho phép người dùng mở nhanh ứng dụng camera từ chế độ "ngủ" bằng cách ấn đúp nút giảm âm lượng. Thao tác này khá dễ sử dụng và khá nhanh.
Giao diện camera trên P9 trực quan, thuận tiện sử dụng với chỉ 4 phím tính năng chính là thay đổi camera trước sau, chỉnh bộ lọc màu, chọn chế độ chụp trước lấy nét sau và bật/tắt đèn flash. Di động của Huawei tỏ ra hơn hẳn các đối thủ về trang bị tính năng chỉnh tay. Chỉ cần chạm nhẹ và biểu tượng cạnh nút chụp là người dùng có thể bật/tắt nhanh chế độ này. Các thông số có thể thay đổi cũng đầy đủ bao gồm ISO, bù trừ sáng, cân bằng trắng, kiểu lấy nét. Đặc biệt, tốc độ có thể chỉnh trong khoảng từ 1/4.000 giây đến 30 giây, tương tự nhiều model máy ảnh mirrorless hiện nay.
Chế độ chỉnh tay (Pro) trực quan, dễ tắt/mở và thay đổi thông số. |
P9 có chế độ chụp giả lập màu phim (Film Mode) nhưng chỉ có hai lựa chọn là Vivid, Smooth và người dùng cũng cần phải mở cài đặt của máy ảnh thay vì có phím tắt ngay trên giao diện chụp. Chế độ Vivid có thể sẽ được nhiều người dùng trẻ Việt Nam ưu chuộng do thích hợp chụp món ăn khi tăng màu sắc, làm tươi hình ảnh.
Ảnh chụp từ di động của Huawei cho độ sắc nét, chi tiết rất tốt nhưng có cảm giác máy đẩy hơi nhiều độ tương phản và độ bão hòa màu so với thông thường. Các bức hình chụp được có thể dễ thu hút người dùng phổ thông nhưng hơi thiếu sự tự nhiên giống như trên iPhone 6s. Ngoài ra, máy cũng có xu hướng tái tạo gam màu ấm hơn thực tế, nhiều hơn so với tông màu của iPhone nhưng ít hơn một chút so với dòng Galaxy S của Samsung.
Chế độ Vivid tăng sắc độ đi kèm khả năng giả lập khẩu độ mở lớn cho các bức ảnh như chụp bằng máy chuyên nghiệp. |
P9 có tốc độ chụp và lấy nét nhanh trong điều kiện thiếu sáng. Ảnh chụp được cũng ít nhiễu, cân bằng trắng khá tốt nhưng máy không thể đẩy được độ sáng lên cao như Galaxy S7 ở cùng điều kiện, một phần do độ mở ống kính thấp hơn đối thủ (f/2.2 so với f/1.7).
Nếu người dùng yêu thích ảnh trắng đen, Huawei P9 có thể coi là smartphone chụp hàng đầu hiện nay ở thể loại này. Một trong hai camera phía sau chỉ thu nhận ánh sáng trắng đen nên cho ảnh chi tiết rất cao. Khi chọn chế độ màu ND, ảnh chụp được có sự khác biệt rõ ràng khi tái hiện vật thể sắc nét, nổi khối. Phần lớn các mẫu di động khác chỉ thực hiện chuyển đổi từ màu sáng trắng đen đơn thuần nên không đạt được hiệu quả tốt như P9.
Tính năng chụp trước, lấy nét sau, giả lập xóa phông hoạt động tốt với các vật thể với cạnh viền rõ ràng. |
Không nổi trội so với đối thủ về chất lượng hình ảnh nhưng Huawei có thể nói đã làm tốt các tính năng phụ trợ đi kèm cho P9. Khả năng chụp trước lấy nét sau và giả lập độ sâu trường ảnh nhờ sự trợ giúp của camera kép độc đáo và mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.
Khi chọn chế độ này, người dùng có thể chọn các điểm nét khác nhau, máy sẽ tính toán độ sâu trường ảnh tương ứng các vùng khác. Không chỉ vậy, người dùng còn có thể giả lập độ xóa mờ theo giá trị khẩu độ bằng cách vuốt lên xuống trực quan. Độ mở lớn nhất mà máy có thể giả lập được lên tới f/0,95, tương tự một ống kính cao cấp của Leica là Noctilux 50mm f /0.95. Các thử nghiệm thực tế cho thấy máy sẽ làm tốt nếu có các cạnh rõ ràng như với người trong khi với lá cây nhiều nhánh, việc xóa phông vẫn có những sự nhầm lẫn.
Trung Văn
Ảnh: Tuấn Hưng