Cách giúp điện thoại luôn mát trong thời tiết nóng
Nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến điện thoại, máy tính bảng… dù quá nóng hay quá lạnh. Đặc biệt, khi thiết bị di động tăng nhiệt độ, nó sẽ khiến các thành phần bên trong bị tác động, từ đó dẫn đến các trường hợp “chập mạch”, hoạt động không ổn định... Thậm chí, có rất nhiều trường hợp cháy nổ do nhiệt độ trên điện thoại tăng cao, gây ra những thương vong không đáng có.
Điện thoại nóng hơn khi sử dụng trong mùa hè. |
Thông thường, khi sử dụng điện thoại, nhiệt độ liên tục tăng lên. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng trong mùa hè sẽ dễ nóng hơn các mùa khác, bởi ngoài nguồn nhiệt phát sinh từ bên trong, máy còn hấp thu một lượng nhiệt lớn bên ngoài. Hiện nay, số lượng thiết bị di động sở hữu vỏ kim loại đang tăng lên, và đó cũng là chất liệu hấp thu nhiệt nhanh hơn so với vỏ nhựa. Tất nhiên, việc thoát nhiệt của chúng cũng nhanh hơn.
Hiện nay, hầu hết smartphone đều có thông báo nhiệt độ cao và tự tắt nguồn khi máy quá nóng. Mặc dù vậy, không nên để điện thoại hoạt động đến khi thông báo này xuất hiện. Thay vào đó, nên làm những cách sau:
Tránh để điện thoại dưới ánh nắng trực tiếp: Nhiều người có thói quen để điện thoại phía trước ôtô hoặc gần cửa sổ, điều này không tốt bởi đây là nơi ánh nắng chiếu vào.
Không bật nhiều ứng dụng nặng cùng lúc: Chắc hẳn bạn đã có lần dùng Facebook, sau đó nhấn phím Home để thoát ra màn hình chính và mở game để chơi, rồi tiếp tục mở Messenger để trò chuyện… Đây là thói quen không tốt, bởi nó sẽ khiến máy xử lý nhiều tác vụ cùng lúc hơn, từ đó bị nóng nhanh hơn.
Tắt ứng dụng, Bluetooth, Wi-Fi, 3G sau khi dùng: Đây là các tính năng tốn nhiều pin và bộ nhớ máy, do đó nên tắt sau khi sử dụng để giúp thiết bị nghỉ ngơi.
Giữ từng thiết bị riêng biệt: Không nên để chung nhiều điện thoại, máy tính bảng và các thiết bị số khác với nhau, bởi nó sẽ xảy ra hiện tượng “tương tác nhiệt”, khiến tất cả nóng nhanh hơn.
Không đặt, vùi máy quá lâu ở nơi khó tản nhiệt: Nệm, chăn, mền, gối… là những nơi hay để quên thiết bị nhất. Thông thường, sau khi sử dụng máy sẽ nóng lên, nếu để vào môi trường này, việc thoát nhiệt sẽ khó khăn hơn.
Hạn chế vừa sạc vừa sử dụng: Bên cạnh việc sử dụng sạc, cáp kém chất lượng, rất nhiều trường hợp cháy nổ điện thoại là do vừa sạc vừa sử dụng điện thoại. Nguyên nhân là do việc nạp/xả năng lượng liên tục khiến pin nóng lên rất nhanh.
Hạn chế sử dụng ốp lưng nếu không cần thiết: Phụ kiện này rất hữu dụng khi rơi vỡ, bên cạnh khả năng làm đẹp. Tuy nhiên, ở những nơi an toàn, như ngồi trên giường, ghế sofa… bạn có thể tháo chúng ra để máy mát hơn, bởi nếu để rơi cũng không sao.
Đừng làm mát quá nhanh: Nhiều người có thói quen khi thiết bị quá nóng, họ lập tức đặt vào ngăn mát tủ lạnh, hoặc những nguồn lạnh khác. Tuy nhiên, việc làm lạnh đột ngột không những khiến linh kiện không kịp thích nghi với nhiệt độ, mà còn khiến hơi nước ngưng tụ bên trong, gây ẩm mốc, hư hại.
Xem thêm:
> Trắc nghiệm: Sử dụng smartphone khi trời nắng nóng thế nào cho đúng
Bảo Lâm