Mã độc mạo danh cảnh sát để tống tiền trên Smart TV
Theo công ty bảo mật Trend Micro, mã độc tống tiền (ransomware) đang trở thành nỗi lo với nhiều người dùng và các công ty. Một trong số đó là FLocker, ransomware lần đầu được phát hiện vào tháng 5/2015, nhưng đã có hơn 7.000 biến thể khác nhau.
Màn hình TV khi nhiễm ransomware. |
Mã độc tống tiền này trên lây lan trên các thiết bị Android, trong đó có cả Smart TV. FLocker mạo danh cảnh sát hoặc các cơ quan thực thi pháp luật, sau đó thông báo người dùng phạm tội. Tiếp theo, mã tống tiền đòi gửi thẻ quà tặng (iTunes gift card) trị giá 200 USD nếu không sẽ "chuyển giao cho tòa án".
Sau khi người dùng đáp ứng yêu cầu, thiết bị mới có thể truy cập bình thường trở lại. FLocker được tìm thấy trên các sản phẩm ở Đông Âu như Nga, Hungary, Ukraina, Belarus...
Để tránh bị phát hiện, mã độc tống tiền thường "núp bóng" dưới các file thực thi. FLocker còn chờ khoảng 30 phút sau khi lây nhiễm mới tiến hành tấn công. Nguy hiểm hơn, ransomware này có thể lây lan cho các thiết bị khác trong cùng một hệ thống mạng. Điều này có nghĩa nếu smartphone của bạn dính FLocker thì rất có thể máy tính bảng hay TV của bạn cũng bị nhiễm.
Thông báo đòi tiền chuộc trên smartphone Android. |
Ransomware thường tiếp cận người dùng thông qua tin nhắn rác hay gửi các liên kết độc hại. Đó là lý do các chuyên gia bảo mật khuyến cáo nên thận trọng khi dùng Internet, nhất là tin nhắn hay email không rõ nguồn gốc. Riêng với FLocker lây lan trên Smart TV, người dùng có thể liên hệ nhà sản xuất thiết bị để được giúp gỡ mã độc này.
Xem thêm:
> Smart TV - mục tiêu tiếp theo của tin tặc
> Mã độc mới chuyên tống tiền xuất hiện tại Việt Nam