Máy nhắc chữ - phụ tá đắc lực của chính trị gia
Máy nhắc chữ giúp họ đọc nội dung bài phát biểu trong khi vẫn nhìn thẳng vào đám đông bên dưới thay vì phải ngó xuống giấy, tạo cảm giác cho người nghe rằng họ đủ tâm huyết để "ghi nhớ" từng câu từ.
Chính vì thế, Tổng thống Mỹ Barack Obama không ít lần bị các đối thủ chế giễu vì sự phụ thuộc vào hệ thống máy móc mỗi khi phát biểu. Tuy nhiên, sự thực là hầu hết các chính trị gia ở nước này cũng đang lựa chọn việc nhìn vào tấm kính mỏng nghiêng góc 45 độ thay vì cầm giấy hoặc cố nhớ chính xác bài phát biểu mỗi lần xuất hiện trước công chúng.
Hình ảnh Obama phản chiếu trên màn hình máy nhắc chữ trong chiến dịch tranh cử năm 2008. Ảnh: Reuters |
Máy nhắc chữ bắt đầu xuất hiện năm 1948 dưới dạng một cuộn giấy đặt bên trong nửa chiếc vali. Diễn viên Fred Barton Jr. cho biết giai đoạn truyền hình lên ngôi là một thách thức lớn cho giới nghệ sĩ. Ngày càng nhiều chương trình trực tiếp xuất hiện và thay vì có hàng tháng để ghi nhớ nội dung thì giờ họ phải học hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Những mảnh giấy nhắc chữ được áp dụng nhưng vẫn tạo khoảng trễ.
Barton đã đi gặp Irving Kahn, một phó chủ tịch của 20th Century Fox, trình bày ý tưởng về việc nối các mảnh giấy nhắc chữ lại với nhau thành một cuộn có gắn motor chạy tự động. Kahn chia sẻ ý tưởng này với kỹ sư Hubert Schlafly. Sử dụng nửa chiếc vali như vỏ bọc bên ngoài, Schlafly gắn các dây đai, ròng rọc và một motor có thể tự động xoay cuộn giấy đã in sẵn các chữ cỡ nửa inch (1,2 cm). Cuộn giấy được xoay chậm theo tốc độ của người phát biểu và được điều khiển bởi một người ở sau cánh gà.
Tháng 4/1949, Hubert Schlalfly đăng ký bản quyền cho thiết bị mà ông gọi là TelePrompTer. Khi công nghệ này được chấp thuận, báo New York Times nhận định nó sẽ tạo nên kỷ nguyên mới cho truyền hình và chính trị.
Bản quyền hệ thống nhắc chữ của Fred Barton. |
Một phần trong bài phát biểu dùng cho máy nhắc chữ của cựu Phó tổng thống Mỹ Walter Mondale. |
Tuy nhiên, 20th Century Fox lại không cảm thấy hứng thú với công cụ này, do đó Schlafly, Barton và Kahn đã nghỉ việc và thành lập công ty TelePrompTer Corporation. Ban đầu, thiết bị được sử dụng trong các chương trình giải trí trên truyền hình. Rất nhanh chóng, nhiều bên nhận ra sự hữu ích của máy nhắc chữ và bắt đầu phát triển hệ thống của riêng họ. Thuật ngữ "teleprompter" phổ biến đến mức nó trở thành từ chung để chỉ máy nhắc chữ. Jess Oppenheimer, nhà sản xuất "I Love Lucy" đã sở hữu bản quyền cho máy nhắc chữ đầu tiên tích hợp trong camera, tức sử dụng một hệ thống những chiếc gương và tấm kính để hiển thị kịch bản, lời thoại ngay cạnh ống kính camera. Nhờ đó, người đọc như đang nhìn thẳng vào ống kính để tương tác với khán giả, trong khi vẫn biết họ cần nói những gì.
Cựu tổng thống Mỹ Lyndon Johnson dùng máy nhắc chữ năm 1964. |
Trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 1952, Kahn thấy cơ hội lớn cho thiết bị của mình, Sau khi biết tin cựu tổng thống Herbert Hoover gặp khó khăn khi đọc các bài phát biểu khi tham gia cùng ứng viên Dwight Eiseinhower, Kahn tới Chicago và thuyết phục Hoover dùng thử máy. Công nghệ này nhanh chóng tạo nên một cú "hit" lớn, 47 trong số 58 bài phát biểu được thực hiện qua máy nhắc chữ.
Tất nhiên, vào thời điểm đó, máy cồng kềnh và ai cũng nhìn thấy sự hiện diện của nó. Sang thập niên 60 của thế kỷ trước, vấn đề này đã được giải quyết bằng cách in nội dung ra giấy và phản chiếu lên một tấm kính mỏng đặt bên cạnh bục phát biểu.
Tới năm 1982, Courtney M. Goodin tạo ra một hệ thống hoạt động bằng phần mềm với khả năng chiếu văn bản từ một chiếc máy tính Atari 800 PC, thay thế cho những cuộn giấy in đã được dùng một thời gian dài. Hệ thống này có lợi thế là nội dung có thể chỉnh sửa và cập nhật kể cả vào phút cuối. Tuy nhiên, không phải cái gì cũng hoàn hảo, như năm 1994, máy nhắc chữ chiếu sai bài phát biểu của Bill Clinton khiến ông phải "tự biên tự diễn" cho đến khi nội dung chính xác xuất hiện trở lại.
Người phát biểu có thể chọn đọc nội dung trên màn hình ngay trước mặt hoặc qua tấm gương trong suốt đặt hai bên bục. |
Hiện nay có hai loại máy nhắc chữ, loại một (trái) là studio -teleprompter gồm màn hình hiển thị chữ ngược, kính phản chiếu nội dung và camera đặt phía sau. Loại hai (giữa) dùng trong hội trường là conference -teleprompter với màn hình cuộn text đặt ở dưới sàn và kính phản chiếu ngang tầm mắt người đọc. Kính phản chiếu có thể trong suốt hoặc đục tùy khi ở trong nhà hay ngoài trời. Xem chi tiết |
Trong một sự kiện, ông Obama sử dụng loại máy nhắc chữ thứ hai với màn hình hiển thị ở dưới chân và gương phản chiếu chữ chếch 45 độ ở trên. |
Hiện nay, phần mềm nhận diện giọng nói đã được tích hợp, giúp hệ thống biết được người nói đang đến đoạn nào để tự động cuộn nội dung. Nó đã quá phổ biến trong các chương trình truyền hình và các bài phát biểu trước công chúng. Tuy nhiên, cũng không ít người chỉ trích rằng các diễn giả đang trở thành nô lệ của công cụ này. Họ thậm chí còn không biết mình đang nói gì, nếu hệ thống cuộn quá nhanh, giọng họ trở nên không tự nhiên còn nếu cuộn chậm, họ như đang buồn ngủ.