Philips V787 - smartphone Android có màn hình bảo vệ mắt
Philips V787 nằm trong phân khúc Android 2 sim tầm trung với giá bán 6 triệu đồng. Sản phẩm được trang bị màn hình Full HD 5 inch, chip MediaTek MT6753 64-bit 8 nhân 1,3GHz cùng RAM 2GB và bộ nhớ trong 16GB.
Màn hình và thiết kế
Philips đem công nghệ màn hình bảo vệ mặt SoftBlue từ TV và màn hình máy tính lên smartphone. |
Mẫu Android mới của Philips gây chú ý ở công nghệ màn hình SoftBlue, được cho có khả năng bảo vệ mắt của người dùng và tránh những ảnh hưởng đến thị giác khi dùng điện thoại lâu. Về lý thuyết, công nghệ màn hình trên làm giảm 86% lượng ánh sáng xanh phát ra từ màn hình, vốn là dải màu có bước sóng từ 380 đến 450 nm, gần với loại ánh sáng của tia cực tím và nếu nhìn lâu không tốt cho thị lực.
Dù vậy, khi nhìn thực tế, màn hình SoftBlue trên Philips V787 không cho thấy nhiều khác biệt so với các màn hình thông thường dùng tấm nền IPS LCD. Màn hình SoftBlue của Philips ở thiết lập tiêu chuẩn ban đầu có một chút ám vàng và tối so với màn hình IPS LCD thông thường.
Độ phân giải Full HD trên kích thước 5 inch giúp cho hình ảnh hiển thị sắc nét và trong trẻo, góc nhìn rộng và màu sắc hiển thị khá trung thực. Công nghệ màn hình SoftBlue của Philips không làm thay đổi nhiều màu sắc và chất lượng hiển thị như tính năng bảo vệ mắt NightShift trên iOS của iPhone, hoặc một số smartphone khác. Còn nếu không hài lòng cách màn hình thể hiện màu sắc như mặc định, người dùng vẫn có thể thay đổi lại thiết lập nhiệt độ màu trong phần MiraVision của mục cài đặt.
Vỏ kim loại nguyên khối với khay sim và thẻ nhớ được đặt trên đỉnh. |
Với màn hình 5 inch, V787 không phải là một mẫu smartphone có kích thước quá lớn. Dù vậy, máy có thiết kế trông nam tính và phù hợp với phái mạnh nhiều hơn nữ, đặc biệt khi chỉ có phiên bản màu đen. Có viên pin dung lượng lớn 5.000 mAh khiến nên máy dày gần 10 mm và trọng lượng tới 164 gram.
Mặt lưng được làm từ kim loại cũng khiến cho model của Philips nặng hơn nhiều model 2 sim tầm trung khác, như Samsung Galaxy J5 2016 hay Huawei GR5. Bù lại, cảm giác cầm máy cứng và chắc chắn hơn. V787 được thiết kế nguyên khối với viên pin được dính chặt bên dưới lớp vỏ kim loại. Cả khe cắm thẻ nhớ lẫn hai khe sim đều được đặt ở trên đỉnh và phải tháo nắp nhựa che camera mới thấy.
Điểm hợp lý ở thiết kế của Philips V787 là tuy dày, nhưng cảm giác cầm không quá khó chịu vì phần lưng được làm cong khá rõ ở hai bên. Camera không bị lồi và vị trí các phím bấm khá vừa tay. Chỉ có thiếu sót là dãy phím cảm ứng ở mặt trước lại không được trang bị đèn nền, dù chúng có kích thước lớn.
Pin và hiệu năng
Bên cạnh màn hình, pin là trang bị nổi trội của Philips V787 nếu xét trong cùng phân khúc. Model này sở hữu viên pin thuộc dạng "khủng" với dung lượng lên tới 5.000 mAh. Philips cũng tích hợp cho mẫu Android 2 sim tầm trung này công nghệ quản lý điện năng quen thuộc Xenium, giúp tối ưu phần cứng để giảm điện năng tiêu thụ.
Bên hông phải, ngay phía trên nút nguồn có một công tác gạt khỏi động tức thì chế độ siêu tiết kiệm năng lượng. Gạt xuống, máy lập tức giảm độ sáng màn hình, chỉ giữ chế độ liên lạc và gửi tin nhắn SMS, ngắt kết nối Internet nhằm kéo dài thời gian sử dụng hơn thông thường.
Tuy vậy, thời gian sử dụng pin của V787 không được như kỳ vọng, thấp hơn những đối thủ pin lớn 5.000 mAh khác như Lenovo Vibe P1 hay Asus Zenfone Max. Lướt web, xem video, chỉnh sửa ảnh liên tục bằng bài test của phần mềm PC Mark, thời gian sử dụng liên tục được 9h33 phút. Kết quả này có tốt hơn mặt bằng chung của Android tầm trung cùng tầm tiền như Oppo F1 hay Huawei GR5, nhưng vẫn kém vài giờ so với những đối thủ pin "khủng" khác. Ở chế độ chờ, dung lượng pin của V787 cũng sụt khá nhanh.
Ngoài thời lượng chưa vượt trội, thiếu sót ở sản phẩm của Philips là không có tính năng sạc nhanh cũng như khả năng sạc ngược cho điện thoại khác, tính năng bắt đầu phổ biến trên smartphone pin lớn như Zenfone Max hay Vibe P1.
Bù lại, Philips V787 là mẫu Android tầm trung có cấu hình khá tốt so với giá. Model này được trang bị chip MediaTek 6753 8 nhân 64-bit, cùng với RAM 2GB và bộ nhớ trong 16GB, có thể tăng thêm 128GB nữa bằng thẻ nhớ. Sản phẩm cũng hỗ trợ kết nối 4G LTE, điểm hơn so với Oppo F1 của Oppo hay dòng máy Galaxy J5 và J7 đời trước của Samsung.
Trong thử nghiệm bằng công cụ Antutu Benchmark, điểm cao hơn là hiệu năng tốt hơn. |
Cấu hình của Philips V787 đáp ứng ổn hầu hết nhu cầu giải trí và làm việc trên điện thoại Android. Những tựa game phổ biến, có đồ hoạ 3D như Asphalt 8, Need for Speeds: No Limits hay thông dụng như Clash Clan, Clash Royale không phải là trở ngại.
Giao diện Android 5.1 Lollipop trên smartphone của Philips không được tuỳ biến nhiều, trừ việc bỏ đi khay quản lý ứng dụng App Drawer đặc trưng của Android, nên giúp máy chạy mượt. Dù vậy, người dùng phải hy sinh nhiều tiện ích như gõ vào màn hình để mở khoá, khởi động nhanh ứng dụng bằng cử chỉ... khi so với các model cùng tầm như Oppo F1 hay Huawei GR5.
Camera
Dành chỗ cho màn hình, pin cũng như cấu hình nên camera trên Philips V787 không được đầu tư nhiều. Có thông số như nhiều đối thủ tầm giá 6 triệu đồng khác, camera chính 13 megapixel và camera trước 5 megapixel, nhưng sản phẩm không có nhiều tính năng chụp hình mở rộng. Máy tập trung chủ yếu vào chế độ chụp tự động và chất lượng ảnh chụp chỉ ở mức trung bình.
Với camera chính, ảnh chụp gặp hiện tượng mất nét ở rìa khá rõ và dễ gặp viền tím ở các vùng chênh sáng. Dù vậy, độ nhiễu và độ chi tiết chấp nhận được. Philips V787 được trang bị chế độ chụp HDR, chụp Panorama, quay video Full HD cũng như tính năng làm đẹp chân dung khi selfie bằng camera trước. Tuy nhiên, trải nghiệm nhiều ngày cho thấy đây vẫn không phải là lựa chọn phù hợp với người thích chụp hình hay selfie trên điện thoại.
Dù có màn hình đẹp với công nghệ bảo vệ mắt, pin lớn và hiệu năng ổn, Philips V787 vẫn còn thiếu một vài điểm nhấn để thực sự nổi bật hơn các đối thủ cùng tầm tiền. Máy có dung lượng pin lớn nhưng thời gian sử dụng lại chưa được như kỳ vọng.
So sánh thông số kỹ thuật của Philips V787 với các đối thủ: