Bí mật ẩn chứa qua nhật ký cuộc gọi và tin nhắn
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) đã xây dựng một ứng dụng có thể âm thầm thu thập và ghi lại nhật ký hoạt động trên smartphone, còn gọi là metadata (siêu dữ liệu) từ hơn 800 tình nguyện viên. Những dữ liệu này tương tự thông tin chính phủ một số nước vẫn lấy từ người dân, như danh sách thống kê họ gọi điện cho ai, độ dài bao nhiêu, trong một tháng nhắn tin mấy lần... chứ không nghe hay xem được nội dung cuộc gọi, tin nhắn vốn đã được mã hóa.
Sau 6 tháng, các nhà nghiên cứu ghi lại 250.000 cuộc gọi và 1,2 triệu SMS. Từ nhật ký này, họ xác định được tên của các cá nhân, địa chỉ, tên và số điện thoại của nửa kia (vợ, chồng, người yêu...). Họ còn biết ai đang bị bệnh tim, đa xơ cứng hay ai đang mang bầu, thậm chí còn phát hiện một người đang sở hữu một khẩu súng trường bán tự động.
Những dự đoán này dựa trên các cuộc gọi của một người tới trung tâm chăm sóc bệnh mãn tính, thực hành thần kinh và đường dây nóng về dược phẩm... Trong khi đó, người được phát hiện sở hữu súng trường là do "tần suất các cuộc gọi tới một cơ sở bán súng thường xuyên quảng cáo về súng bán tự động AR cũng như tới đường dây nóng của một nhà sản xuất súng, trong đó có loại súng kể trên". Người thứ ba lại thực hiện vài cuộc gọi tới phòng khám Planned Parenthood gần nhà cô với chu kỳ khoảng một tháng một lần.
Không cần nghe cuộc gọi hay xem nội dung tin nhắn, các nhà nghiên cứu cũng có thể biết nhiều điều về người dùng chỉ cần dựa trên nhật ký cuộc gọi, SMS. Ảnh minh họa: Adweek |
"Nghiên cứu này chỉ nhằm khẳng định lại điều mà các chuyên gia bảo mật đã khuyến cáo từ lâu, rằng nhật ký cuộc gọi, tin nhắn trông có vẻ khô khan và chẳng có gì đáng tò mò cũng ẩn chứa những điều nhạy cảm", Steven Murdoch, chuyên gia bảo mật tại Đại học London (Anh) nhận định. "Metadata có thể nói lên mọi điều về người dùng".
Hiện chính phủ một số nước được phép lấy thông tin metadata về người dùng, từ đó họ không cần phải trực tiếp nghe nội dung cuộc gọi, đọc tin nhắn mà chỉ cần dựa trên lịch sử hoạt động (như bạn gọi cho ai, tần suất thế nào...) là đã có thể suy ra được nhiều điều về bạn.
Hồi tháng 6/2013, thế giới ngỡ ngàng khi cựu điệp viên Edward Snowden đã "tuồn" cho giới truyền thông khoảng 50.000-200.000 tài liệu tuyệt mật của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA). Đáng chú ý trong số này là chương trình do thám có tên PRISM. Cụ thể, NSA và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) có khả năng truy cập vào máy chủ để lấy nhật ký chat, e-mail, cuộc gọi... của người dùng từ các công ty công nghệ như Apple, Microsoft, Google, Facebook... Họ đã thu thập gần 100 tỷ mẫu dữ liệu (data report) toàn cầu, trong đó Mỹ chiếm 3 tỷ còn Iran đứng đầu với 14 tỷ.
Snowden cho hay lý do anh công khai thông tin về PRISM là để bảo vệ "sự tự do cơ bản của mọi người khắp thế giới". Khi đó, anh được tôn là người hùng nhưng cũng bị gán tội "kẻ phản bội nước Mỹ".