Tường lửa giúp các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển
Rất nhiều dịch vụ Internet bị chặn bởi Great Firewall tại Trung Quốc. |
Great Firewall còn được gọi là“Tường lửa vĩ đại” hay “Vạn Lý Trường Thành trên mạng” của Trung Quốc. Nó là thuật ngữ nói đến dự án Golden Shield, một công cụ giúp chính phủ nước này kiểm soát và ngăn chặn công dân kết nối với các trang web và dịch vụ Internet nước ngoài. Và họ đã đạt được mục đích đó, nhưng cũng đặt người dân vào tình thế mất đi quyền tự do Internet.
Năm 2010, Google đã có động thái phản ứng với Trung Quốc khi tuyên bố sẽ không kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm và có thể rút hoạt động tìm kiếm ra khỏi nước này. Và chỉ vài tháng sau, họ chuyển hướng kết quả tìm kiếm sang Hong Kong. Khi đó, hành động của Google cùng với 20 công ty công nghệ Mỹ khác được cho là để phản đối Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào các kết quả tìm kiếm. Nhiều chuyên gia lo ngại về tự do Internet tại đất nước đông dân nhất thế giới này, và đặt ra câu hỏi: ‘Liệu chính phủ sẽ xử lý ra sao’.
6 năm sau, Google vẫn đang bị chặn tại Trung Quốc, cùng với Facebook, Twitter, Instagram, YouTube và một số cơ quan truyền thông lớn nhất thế giới, trong đó trang báo New York Times. Không chỉ vậy, bởi Great Firewall, người dân nước này không thể truy cập các tài liệu "không mấy hay ho" trong quá khứ, như sự kiện Thiên An môn vào năm 1989. Ngay cả vụ "Hồ sơ Panama", chính phủ nước này cũng ngăn chặn bởi nó có liên quan đến một số nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chỉ có một số người có thể tiếp cận thông tin thông qua mạng riêng ảo (VPN), nhưng số lượng cực kỳ ít.
Tại Trung Quốc, các nội dung Internet đều được kiểm duyệt hết sức gắt gao. Đầu tháng 3/2016, nước này cũng đã bắt đầu mạnh tay hơn với VPN, thứ được nhiều người dùng để vượt tường lửa. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các công ty đã bỏ ra nhiều tiền trong nhiều năm để quảng bá sản phẩm của mình thông qua các dịch vụ bị chặn tại Trung Quốc như Facebook hay Twitter phải làm lại từ đầu.
“Internet đang là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là khi họ mở rộng kinh doanh của mình ra toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó dường như đang bị ngăn chặn. Người dân nước này cũng vậy, họ có xu hướng đi du lịch nhiều hơn và họ từng thốt lên về những gì mình biết được bên ngoài biên giới”, Hisham Youssef, một kiến trúc sư, sống và làm việc 5 năm tại Thượng Hải, nói.
Tuy nhiên, việc hạn chế tự do Internet, trong đó áp dụng Great Firewall cũng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nước này. Việc ngăn chặn Google đã giúp Baidu phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới (tất nhiên chủ yếu vẫn là người dùng Trung Quốc). Khi Facebook và WhatsApp bị chặn, dịch vụ nhắn tin trong nước WeChat đã bùng nổ. Trong khi đó, Weibo là cái tên thống trị thị trường Trung Quốc kể từ khi lệnh cấm Twitter được ban hành.
Không chỉ cạnh tranh trực tiếp, các doanh nghiệp Trung Quốc còn được hậu thuẫn từ phía sau. Ví dụ, Uber dù đã đổ hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD để đầu tư tại đây nhưng kết quả không mấy khả quan do đối mặt với liên minh các đối thủ cùng lĩnh vực được nhà nước hậu thuẫn, hay vụ Apple bị làm khó về thương hiệu là ví dụ điển hình.
Việc kiểm duyệt Internet của Trung Quốc cũng từng bị phương Tây lên án nhiều lần. Tháng 4/2016, trong Báo cáo Ðánh giá Thương mại Quốc gia (National Trade Estimate Report), chính phủ Mỹ cho rằng việc kiểm duyệt Internet của Trung Quốc là rào cản thương mại. “Trong một thập kỷ qua, việc kiểm soát nội dung Internet xuyên biên giới đã trở thành gánh nặng đáng kể đối với các nhà cung cấp nước ngoài, gây tổn thương cho không chỉ họ mà cả doanh nghiệp trong nước, những ai đang phụ thuộc vào Internet để kinh doanh”.
Tuy nhiên, điều đó không khiến Trung Quốc phải lo sợ, mà trái lại, sự "bướng bỉnh" này đang khiến một số doanh nghiệp nước ngoài phải chiều theo ý của họ. “Rất nhiều cái tên đã nhượng bộ, chấp nhận bị kiểm duyệt và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu nhạy cảm với các nhà chức trách Trung Quốc, như Apple hay LinkedIn để được kinh doanh tại đây, cho thấy chiến lược mà chính phủ Trung Quốc đưa ra đang thắng thế”, ông Charlie Smith, đồng sáng lập của Tổ chức Internet tự do GreatFire, cho biết.
Bảo Lâm (theo IBTimes)