Huawei P9 có bộ vít giống hệt iPhone
Huawei P9 vừa ra mắt đã nhận được không ít lời khen nhưng bên cạnh đó là những chỉ trích bởi thiết kế có phần giống iPhone của Apple. Kyle Wiens, một chuyên gia của trang web chuyên "phẫu thuật" smartphone iFixit, đã có bài viết trong đó chỉ trích hãng điện thoại Trung Quốc đã sao chép mọi thứ, kể cả con vít.
“Hình ảnh dưới đây không phải là hai chiếc iPhone, mà là bức ảnh chụp một chiếc iPhone đặt trên chiếc P9 của Huawei.
Chiếc P9 của Huawei (dưới) và iPhone 6s (trên). |
Bạn đừng quá ngạc nhiên vì đây không phải là lần đầu tiên Huawei sao chép Apple một cách lộ liễu như vậy. Mặc dù sản phẩm của hãng điện thoại Trung Quốc đã thay đổi vị trí máy quét vân tay cũng như không sử dụng nút Home vật lý nhưng nhìn chung hai sản phẩm này vẫn rất giống nhau từ thiết kế tổng thể, vị trí các cổng kết nối, dãy ăng-ten nhựa…
Thậm chí, ngay cả chiếc ốc vít hình ngôi sao ‘pentalobe’ trên iPhone cũng không nằm ngoài danh sách sao chép của Huawei. Mục đích khi cho ra đời con vít này của Apple là nhằm ngăn chặn tái chế sản phẩm sau khi người dùng thải loại nó. Tuy nhiên, hành động của Huawei cho thấy những ý tưởng của Apple ngay cả khi không thật sự hữu dụng cũng trở thành mục tiêu để học hỏi.
Cái tên Apple luôn gắn liền với chất lượng
Hiện tại, phải thừa nhận rằng Apple là một trong những công ty thiết kế sản phẩm tốt nhất thế giới. 'Táo khuyết' luôn dẫn đầu trong việc định hướng thiết kế cho ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt là ở những sản phẩm mà họ có thế mạnh như iPhone, iPad, Mackbook.
Người tiêu dùng luôn có xu hướng gắn liền cái tên Apple với hai từ: "chất lượng". Điển hình như việc Apple đi tiên phong trong việc sử dụng chất liệu kim loại cao cấp và kéo dài tuổi thọ của máy tính xách tay. Trước đây, người ta có xu hướng nâng cấp laptop sau hai hoặc ba năm nhưng hiện tại, không quá khó để nhận ra rằng một chiếc Macbook có tuổi thọ 5 năm "vẫn chạy tốt". Nó có thể có những hư hỏng vật lý bên ngoài như trầy xước trong quá trình sử dụng nhưng phần cứng bên trong vẫn hoạt động ổn định. Hiện tại, nhiều nhãn hiệu lớn như HP, Dell cũng bắt đầu "bắt chước" Apple sử dụng khung kim loại bền hơn cho các sản phẩm của mình (thay vì khung nhựa như trước kia).
Nhưng Jony Ive và nhóm của ông không phải lúc nào cũng đúng. Gần đây họ thực hiện một số thiết kế làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tái chế sản phẩm sau khi chúng không còn được sử dụng.
Apple không muốn khách hàng thay thế pin trên các sản phẩm do công ty sản xuất. Vì vậy, họ sử dụng pin tích hợp trực tiếp vào bo mạch trên iPhone, sau đó ứng dụng cho cả iPad, Macbook. Điều này đòi hỏi các nhà tái chế phải loại bỏ pin rất cẩn thận trước khi đưa sản phẩm vào dây chuyền. Những sản phẩm mới nhất của Apple như iPad Pro 12,9 inch và 9,7 inch cũng có thiết kế để tránh việc thay đổi pin của người dùng.
Những bất tiện này có thể không đáng kể với cá nhân người dùng nhưng với ngành công nghiệp di động thì đây là một vấn đề không hề nhỏ chút nào. Sau khi bị thải loại, thiết bị ‘hạ cánh’ trong đống rác, lò đốt hoặc được tái chế. Trong khi đó, Mỹ (quê hương của Apple) tạo ra hơn 3 triệu tấn chất thải điện tử vào năm 2013 nhưng chỉ tái chế được 40% trong số này.
Tại sao người ta lại quan tâm đến vấn đề tái chế thiết bị? Nguyên nhân chủ yếu là việc tái chế sẽ hiệu quả hơn tiêu hủy hoàn toàn sản phẩm, hơn nữa, hành động này cũng góp phần làm giảm khả năng gây ô nhiễm môi trường của các thiết bị điện tử sau khi không còn được sử dụng.
Các thỏi pin trong thiết bị điện tử cũng gây nguy hiểm rất lớn, chúng có thể làm chậm quá trình tái chế, thậm chí gây ra các vụ cháy, nổ khó kiểm soát. Và đây cũng chính là lý do người ta cho rằng ý tưởng về vít 'pentalobe' của Apple là vô dụng, thậm chí gây thiệt hại cho ngành công nghiệp tái chế.
Apple giới thiệu chiếc vít pentalobe vào giữa năm 2009 trên chiếc Macbook Pro. Công ty xem đây là một công cụ ngăn ngừa người dùng tự ý thay thế các thỏi pin trên thiết bị. Một năm sau, con vít này xuất hiện trên một thiết bị có kích thước nhỏ hơn là iPhone 4 (nằm hai bên cổng sạc). 'Pentalobe' được Apple đánh giá là một bước đi chiến lược của họ khi chỉ có công ty này mới có các công cụ cần thiết để mở, không gây ra hư hại cho thiết bị. Nghĩa là chỉ có Apple mới có thể mở chiếc điện thoại của bạn, hay chí ít đây cũng là ý tưởng của công ty.
Một chi tiết rất nhỏ trên thiết bị lại gây phiền toái cho rất nhiều người, trong đó có những người làm việc trong lĩnh vực tái chế sản phẩm. Công ty của tôi, iFixit, đã phân tích cấu tạo của ‘pentalobe’ và bán tua vít để mở chiếc vít này của Apple. Hầu như bạn không thể tìm thấy một chiếc vít ‘pentalobe’ bên ngoài hệ sinh thái của Apple (tất nhiên là cho đến khi Huawei ‘nhái lại’ ý tưởng này).
Chiến lược sai lầm của Huawei
Không ai có thể biết chính xác lý do vì sao Huawei lại đặt 'pentalobe' trên chiếc điện thoại P9. Tuy nhiên, có thể loại bỏ nguyên nhân Huawei bắt chước tính năng của con vít này vì thực chất, các thử nghiệm cho thấy Huawei P9 khá dễ tháo lắp và sửa chữa.
Có thể nghĩ là Huawei sử dụng con vít hình ngôi sao là do Apple đã sử dụng. Họ thực sự muốn chiếc điện thoại của mình giống một chiếc iPhone. Họ đã làm 'khá tốt’! Nhưng có lẽ họ chưa tự hỏi: Liệu người dùng, đặc biệt là các fan hâm mộ của mình có muốn như vậy hay không?
Thay vì làm như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Huawei nên dừng sao chép iPhone để tập trung vào nghiên cứu một cái gì đó khác biệt. Không ít người dùng đã cảm thấy ‘kích thích’ trước thiết kế dạng module độc đáo của LG G5 hay tích hợp màn hình phụ của LG V10. Với tiềm lực của mình, Huawei không phải không có khả năng để làm điều tương tự.
Thế giới cần những công ty công nghệ đổi mới hơn là những thương hiệu chỉ biết chạy theo những gì Apple đã ‘đi trước một bước’. Các sản phẩm cần dễ sửa chữa hơn, dễ tái chế hơn nhưng không phải ai cũng đủ thông minh và dũng cảm để làm điều đó. Thật sai lầm khi cố gắng sao chép một bộ óc thiết kế vĩ đại như Jony Ive. Và tại sao bạn không là chính mình mà cứ phải ép mình giống người khác, phải không?"
Bảo Lâm (theo Wired)