Con người tạo sự khác biệt
“Có một sinh vật khổng lồ trên trái đất này, sức mạnh của nó là không thể bàn cãi. Nó có khả năng bay cao hơn tất cả loài chim. Bơi và lặn nhanh hơn tất cả loài cá. Tai của nó có thể nghe được những âm thanh từ khoảng không rộng lớn của vũ trụ. Nó có thể dẫn nước vào những sa mạc khô hạn nhất trên trái đất này. Đôi chân của nó có thể chạy nhanh hơn bất kỳ loài vật khác. Cánh tay của nó thể xuyên thủng cả dãy núi, chặn đứng cả một dòng sông đang cuồn cuộn chảy. Thầy đố các bạn biết đó là sinh vật nào?”.
Hàng loạt cách tay xin được phát biểu… “Thưa thầy, đó là con người”. “Chính xác”. Các học sinh cười tâm đắc với lựa chọn của suy luận trong đầu. Đó là cách mà tôi đã dẫn học sinh vào một bài học lịch sử của lớp 9: Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần 2. Tôi là một giáo viên cấp 2.
Tôi lại tiếp tục nội dung của mình với những câu hỏi tăng dần độ khó lên. “Vì sao con người có được những sức mạnh khủng khiếp như vậy. Sức mạnh to lớn đó đã đem đến cho con người những điều tốt đẹp nào?... Và tất nhiên, cả lớp học lại tiếp tục bàn tán, trao đổi và thậm chí là cãi nhau nảy lửa, buộc tôi phải can thiệp. Cả lớp im lặng hoàn toàn khi tôi nói và chiếu các hình ảnh chụp liên quan đến Hirosima, Nagazaki và cả thảm họa hạt nhân chernobyl.
Rõ ràng chúng ta thấy rằng, ngoài mục đích tuyệt vời mà con người muốn thế giới này tốt đẹp hơn thì việc giết được nhiều kẻ thù hơn cũng là một động lực để con người thực hiện các phát minh quan trọng của mình, tiêu biểu chính là trong thế chiến thứ hai (1939-1945). Ngày nay, chúng ta thấy những quốc gia nhỏ bé về diện tích, thiếu thốn rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng vẫn xuất hiện trong top các nước dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực. Vì sao vậy? Tại sao chúng ta lại không được như vậy?... Lúc nhấn mạnh giọng nói cùng khuôn mặt nghiêm nghị của một giáo viên giảng dạy lịch sử của tôi đã làm cả lớp học chiều hôm ấy im lặng cùng nhiều suy nghĩ trong đầu bọn trẻ.
Đến lượt tôi cho ví dụ về những công nghệ hiện đại giúp ích trong công việc của thầy và cả những yêu cầu học tập hàng ngày như: Powerpoint hoặc Sway là phần mềm hay dùng khi thầy cho bài tập nhóm về thuyết trình. Ứng dụng bản đồ đem đến nhiều điều bổ ích về di chuyển. Chúng ta có thể lưu trữ mọi thứ trên Onedrive, hoặc khi mà con chuột không dây bị hết pin thì thầy có thể trình chiếu nội dung Powerpoint bài giảng từ máy tính kết nối với điện thoại, thông qua bluetooth bởi ứng dụng office remote. Nó có thể giúp chúng ta trao đổi nội dung bài học trực tiếp trên Skype mà không cần phải đạp xe đến tận nhà bạn học.
Ngoài ra, chúng ta có thể sáng tạo nên những bức ảnh tuyệt vời từ ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh như Photosyn. Nó có thể giúp chúng ta chụp lại các khoảnh khắc tuyệt vời về cuộc sống. Hoặc ta có thể nghe một bài hát yêu thích bất kỳ khi muốn. Chúng ta có thể dùng Excel để tính toán kết quả học tập. Có thể và có thể rất nhiều thứ khác nữa…
Những ứng dụng này đã mang đến cho chúng ta rất nhiều trong công việc hàng ngày. Vậy theo các em, nó đã mang đi những gì từ chúng ta?
Một cánh tay giơ lên: "Thưa thầy, theo ý kiến của con thôi nha thầy…" (vẻ ngập ngừng thiếu tự tin). Tôi liền động viên “tất nhiên rồi, con cứ trình bày đi thầy đang nghe”. Học sinh tiếp tục trả lời: “Nó đã khiến con cảm giác bị lạc hậu so với các bạn khi không có điện thoại. Con thích chơi đá banh ngoài sân cỏ, còn các bạn gần nhà thì suốt ngày chơi đá banh trên máy tính. Hay là…". Cả lớp cười ồ lên ngay khi em ấy im lặng…
Tôi lên tiếng. Bạn đã nói lên sự thật, tại sao các em lại cười?
Cả lớp im lặng, tôi tiếp tục. "Lúc đầu tiết học thầy có nói những quốc gia nhỏ bé về diện tích, thiếu thốn rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng vẫn xuất hiện trong top các nước dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực vì sao?”. Đáp án chính là yếu tố con người và công nghệ. Hai yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên những bước phát triển thần kỳ. Không khó để liệt kê các quốc gia như vậy trên thế giới.
Tôi hỏi tiếp: "Vậy theo các em yếu tố nào sẽ quyết định?". Yếu tố công nghệ là vấn đề cốt lõi của các nước trên thế giới ngày nay. Những điều tuyệt vời nó đem đến cho con người là không phải bàn cãi. Nhưng yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của một quốc gia, một dân tộc chính là yếu tố con người. Nếu chúng ta chưa đạt trình độ phát triển tốt thì có thể nhận được sự giúp đỡ từ các nước khác đi trước. Nhưng nếu chúng ta mất đi yếu tố con người cũng chính là mất bản sắc văn hóa của cả một dân tộc thì liệu có ai giúp được?
Nguyễn Đức Trí