FBI mới bẻ khóa được 5c, không thành công với iPhone 5s, 6s
Cuối tháng 3/2016, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố, cơ quan điều tra đã sử dụng các kỹ thuật mới để truy cập vào dữ liệu trên chiếc iPhone 5c của kẻ khủng bố trong vụ xả súng ở San Bernardino. Nhờ vậy, FBI không cần nhờ đến sự trợ giúp của Apple như đề nghị trước đây.
FBI đã hack thành công vào chiếc iPhone 5c mà không cần trợ giúp của Apple. |
Giám đốc FBI James Comey cho biết, cơ quan tư pháp Mỹ đã tránh được cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài với Apple, bằng việc mua một công cụ để hack vào chiếc iPhone 5c. Tuy nhiên, phương pháp này không hoạt động trên hầu hết các đời iPhone, nhất là những model đời cao như iPhone 5s, 6 hay 6s.
Ông Comey không nói rõ lý do vì sao phương pháp hack trên không thực hiện được với các mẫu iPhone đời cao. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cho rằng bộ mã hóa trên chip Apple A7 dùng cho iPhone 5s và các model sau này chính là rào cản.
Sau khi thành công với iPhone 5c, FBI đã đồng ý giúp cảnh sát ở Arkansas hack vào chiếc iPhone và iPod khác trong vụ hai thiếu niên bị buộc tội giết một cặp vợ chồng. Cơ quan này cũng đang cố gắng truy cập dữ liệu trên chiếc iPhone 5s chạy iOS 7 của tên trùm ma túy ở Brooklyn. Song nhiều khả năng FBI cần tìm các phương pháp mới cho những vụ này.
Một vấn đề khác mà FBI phải đối mặt là WhatsApp đã kích hoạt mã hóa đầu cuối cho hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu. Với phương thức này, toàn bộ thông tin trao đổi, tập tin đính kèm hay các cuộc gọi thông qua ứng dụng đều được bảo vệ, mà ngay cả WhatsApp cũng không thể truy cập vào.
Cơ quan an ninh lo ngại tội phạm và những kẻ khủng bố có thể tận dụng lợi thế công nghệ để che đậy các hành vi phạm pháp hay tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan. "Đây là vấn đề nghiêm trọng trong thời đại kỹ thuật số mà chúng ta cần cùng nhau giải quyết", luật sư FBI James Baker nhấn mạnh.