3 mũi nhọn công nghệ của Samsung
Quý III/2015, lợi nhuận của hãng đạt 6,25 tỷ USD, tăng 79,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng điện thoại di động lãi 1,9 tỷ USD, tăng 24%.
Những sản phẩm mới của hãng trong năm 2015 đều ghi nhận sự đánh giá tích cực của người tiêu dùng. Màn hình cong là xu hướng thiết kế đang giúp đại gia điện tử Hàn Quốc thành công trên thị trường TV. Với chiếc smartphone màn hình cong đầu tiên trên thế giới, Samsung đang lặp lại thành công trên thị trường di động.
Theo IDC toàn cầu về ngành hàng điện thoại di động, quý III/2015, lượng điện thoại bán ra của hãng dẫn đầu thế giới với hơn 300 triệu thiết bị. Samsung duy trì được thị phần số một toàn cầu về sản lượng bán ra, đạt 24%, cao hơn Apple, Huawei và Xiaomi cộng lại. Điều này giúp doanh thu trong quý của hãng đạt hơn 70,28 tỷ USD.
Dù vậy, sự cạnh tranh khốc liệt từ phía các đối thủ lớn cũng khiến hãng dè dặt trong việc đưa ra nhận định. Các nhà phân tích cho rằng, ít nhất tới năm 2017, đơn vị đẩy mạnh hơn các thiết bị điện tử đeo tay, bảo đảm tính bền vững trong mảng di động.
Mảng di động đóng góp khoảng một nửa doanh thu nhưng nếu nghĩ nhà sản xuất này chỉ có smartphone thì vẫn thiếu sót. Những báo cáo về tình hình hoạt động trong quý III cho thấy, mảng kinh doanh đang sinh lời tốt nhất là sản xuất linh kiện điện tử bán dẫn, thu về 3 tỷ USD lợi nhuận.
Sự thành công của mảng này được hưởng lợi không nhỏ từ doanh số iPhone 6, khi Samsung là nhà cung cấp linh kiện điện tử cho Apple. Trên thực tế, đây mới là mảng kinh doanh mũi nhọn của hãng. Tập đoàn này đang là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, với khoảng 30% thị phần DRAM và bộ nhớ NAND.
Mới đây, Samsung công bố kế hoạch đầu tư 14,3 tỷ USD cho một khu phức hợp sản xuất linh kiện bán dẫn có quy mô tới 30 triệu feet vuông. Theo các chuyên gia, sự phát triển của mảng di động của hãng sẽ được lợi rất lớn từ lĩnh vực này.
Khi người tiêu dùng mua máy tính bảng và di động của Samsung (và nhiều hãng điện thoại lớn khác), nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc không chỉ tăng doanh số bán di động, mà còn tăng doanh số bộ nhớ flash NAND được sử dụng trong các thiết bị này. Năm ngoái, mảng kinh doanh bộ nhớ NAND mang về 28 tỷ USD cho hãng. Riêng quý III năm nay, con số này đã đạt 11 tỷ USD.
Một linh kiện quan trọng khác là DRAM cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định khi đạt 18,3 tỷ USD trong quý III. Dự báo năm 2016, DRAM có thể mang lại 40,2 tỷ USD cho công ty, tăng 35% trong 5 năm (năm 2011 đạt 29,6 tỷ USD). Trong đó, nguồn thu chủ yếu sẽ đến từ bộ nhớ DRAM dành cho điện thoại di động.
Internet of Thing (IoT - Internet của vạn vật) được xem là xu hướng phát triển chính của công nghệ trong tương lai và Samsung không thể bỏ qua hướng đi này. Theo dự báo của IDC, thị trường IoT sẽ tăng gấp 3 lần, đạt 1.700 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó riêng các linh kiện bán dẫn như mô-đun và bộ phận cảm biến đã chiếm tới 30%.
IoT sẽ là mảnh đất mới đầy màu mỡ mà Samsung hướng tới trong tương lai gần. Thị trường này vẫn chưa có người dẫn đầu và hãng đang muốn chiếm vị trí số một như cách họ đã làm với di động và linh kiện bán dẫn.
Để đón đầu, đơn vị đã lên kế hoạch hỗ trợ công nghệ IoT cho 90% thiết bị của mình vào năm 2020. Nếu những dự báo đi đúng hướng, đây sẽ là yếu tố then chốt giúp hãng tăng trưởng trong tương lai.
Thu Ngân