Samsung đầu tư mạnh cho công nghệ linh kiện bán dẫn
Nếu coi điện thoại là lá cờ đi đầu trong các cuộc chinh phục của Samsung thì mảng sản xuất linh kiện bán dẫn có thể được xem như “trái tim” giúp bộ máy hoạt động trơn tru. Ra đời từ những năm 1984, sau hàng thập kỷ hình thành và phát triển, lĩnh vực sản xuất linh kiện bán dẫn của hãng điện tử Hàn Quốc đã đạt đến trình độ cao, không chỉ phục vụ cho những thiết bị của tập đoàn mà cả những hãng điện tử lớn khác.
“Lĩnh vực mang lại lợi nhuận thấy rõ nhất cho Samsung chính là linh kiện bán dẫn, vì vậy không có gì lạ khi công ty tiếp tục đầu tư cho mảng này”, Lee Min-hee, nhà phân tích của quỹ đầu tư IM Investment nhận định.
Quý III/2015, Samsung ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về doanh số cũng như lợi nhuận của mảng. Trong số hơn 6 tỷ USD lợi nhuận của tập đoàn, linh kiện bán dẫn đã đóng góp 3 tỷ USD. Dù doanh thu không bằng, nhưng lợi nhuận biên của mảng này cao hơn rất nhiều so với mảng di động.
Theo IC Insights, Samsung hiện là một trong những nhà sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới. Với việc đầu tư xây dựng khu phức hợp sản xuất khổng lồ trị giá 14,3 tỷ USD tại Pyeongtaek (Hàn Quốc), Samsung cho thấy họ không bao giờ lãng quên trái tim của mình.
Dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2017 và mang tới 150.000 việc làm cho quê nhà, khu phức hợp hiện đại này được mệnh danh là “Thung lũng linh kiện bán dẫn của Samsung”. Tổng diện tích của khu vực lên tới 30 triệu feet vuông, đủ để nhét vừa 400 sân bóng đá tiêu chuẩn.
Công nghệ cho linh kiện bán dẫn hết sức tinh vi và hiện đại. Chính vì vậy, không ít hãng dù là đối thủ cạnh tranh trong mảng thiết bị di động vẫn phải phụ thuộc vào các linh kiện do Samsung sản xuất.
Samsung còn tham gia sản xuất chip và bộ nhớ cho nhiều hãng điện tử khác nhau. Hiện tại, hãng có thế mạnh trên thị trường sản xuất bộ nhớ NAND và DRAM cho di động, với khoảng 30% thị phần.
Đơn vị áp dụng nhiều công nghệ cao để tạo ra bộ vi xử lý có kích cỡ siêu nhỏ. Chẳng hạn, bộ vi xử lý Exynos 7 Octa trong điện thoại Galaxy S6 và Note 5 của Samsung được sản xuất bởi công nghệ có kích cỡ chỉ 14nm. Để dễ hình dung, 14nm nếu so với một hạt cát mịn, cũng giống như đem so chiều dài gang tay đứa trẻ 3 tuổi với độ dài 986m của cầu Sài Gòn.
Với kích cỡ như vậy, quá trình sản xuất hết sức khắt khe, vì ngay cả một hạt bụi cũng có thể làm hỏng cả vi mạch. Những căn phòng sản xuất phải đáp ứng tiêu chuẩn Clean room, yêu cầu đầu tiên cho các nhà sản xuất vi mạch. Trong đó tiêu chuẩn tối thiểu Class 10 của Clean room đó là không có trên 10 vật thể kích thước 0,5 micron trong 1 feet khối. Bước vào khu vực sản xuất của Samsung cũng giống như bước vào một căn phòng gần như vô trùng tuyệt đối.
Công nghệ tinh vi và phức tạp cũng là một phần lý do khiến Samsung quyết định đặt khu phức hợp mới này tại Hàn Quốc. Các nhà phân tích đánh giá, việc đặt nhà máy ở gần Seoul sẽ giúp Samsung tuyển dụng được những kỹ sư tài năng trong nước dễ dàng hơn. Phía Samsung thì lý giải, công ty sẽ tiếp tục cân bằng giữa việc đầu tư trong và ngoài nước để đảm bảo tối ưu dây chuyền sản xuất toàn cầu.
Với việc đã tận dụng tối đa hiệu năng của các con chip và giảm giá thành thông qua mở rộng quy mô, chỉ những tập đoàn với tiềm lực tài chính mạnh như Samsung mới dám rót hàng chục tỷ USD để xây dựng cơ sở mới.
Không dễ để các doanh nghiệp non trẻ nhảy vào lĩnh vực này, khi chi phí đầu tư hiện tại leo thang rất nhanh. Đây được coi là một lợi thế lớn của Samsung khi chip nhớ cho điện thoại di động tiếp tục tăng.
Theo số liệu của IDC, thị trường IoT (Internet of Things hay Internet kết nối vạn vật) được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, đạt 1.700 tỷ USD vào năm 2020. Trong đó riêng các linh kiện bán dẫn như mô-đun và bộ phận cảm biến đã chiếm tới 30% tổng thị trường. Một nước đi đúng hướng sẽ sớm giúp Samsung dẫn đầu thị trường nghìn tỷ đô này.
Thu Ngân