Apple, Google gặp khó tại thị trường lớn thứ ba thế giới
Theo báo cáo của Strategy Analytics, Ấn Độ hiện xếp thứ ba nhưng sẽ trở thành thị trường smartphone lớn thứ hai toàn cầu, thay thế vị trí của Mỹ và chỉ xếp sau Trung Quốc vào năm 2017. Đây cũng là quốc gia đông dân thứ ba thế giới, lượng tiêu thụ điện thoại thông minh cũng như số người dùng Internet liên tục tăng trưởng ấn tượng.
Dù chỉ chiếm 0,9% thị phần nhưng Apple đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 18 tại Ấn Độ, tăng trưởng hàng năm đạt 21% trong quý III/2015, số liệu từ IDC. Tuy nhiên, so với thống kê của Counterpoint Research, iPhone đã mất 50% thị phần khi đầu năm nay, báo cáo nói rằng Apple đạt 2% trong tổng số smartphone bán ra tại đây.
Người dân Ấn Độ quan tâm đến các thiết bị giá rẻ tầm 100 USD, nhưng iPhone tại đây có giá cao hơn mức này 10 lần. |
Điện thoại thương hiệu "Táo Khuyết" không đáp ứng nhu cầu của người dùng Ấn Độ về một thiết bị có màn hình lớn, kết nối 4G và quan trọng là giá rẻ. Bởi iPhone tại thị trường này có mức khởi điểm quá cao, từ 950 USD và đắt hơn 300 USD so với tại Mỹ. Khách hàng Ấn Độ quan tâm nhiều hơn đến dòng smartphone tầm 100 USD.
Không riêng Apple, Google cũng gặp khó khăn tại thị trường đầy tiềm năng này dù chiến lược của họ là sản phẩm giá rẻ. Năm ngoái, "gã tìm kiếm khổng lồ" giới thiệu Android One, dự án với mục tiêu kết nối 5 tỷ người trên thế giới mà không cần truy cập Internet. Google muốn hợp tác với các nhà sản xuất Ấn Độ để tạo ra những thiết bị giá rẻ nhưng có trải nghiệm tốt.
Song tại thị trường đầy tiềm năng mà lượng thiết bị Android One bán ra chỉ khoảng 1,2 triệu máy. Con số này càng cách xa mục tiêu "hàng tỷ người dùng mới" mà Google đặt ra tại hội nghị I/O 2014. Lượng smartphone Android One chỉ chiếm khoảng 3,5% trong tổng số thiết bị giá 50 - 100 USD.
Thị phần của các nhà sản xuất smartphone tại Ấn Độ. Số liệu: IDC. |
Vấn đề chính mà Google gặp phải tại Ấn Độ là thiết bị của hãng không hỗ trợ mạng 4G. Đánh giá cho biết, Android One đã có một kế hoạch tiếp thị rầm rộ nhưng để thua các sản phẩm cạnh tranh khác do thiếu kết nối LTE tốc độ cao.
Theo số liệu của IDC, tính đến quý III/2015, Samsung là nhà sản xuất thống trị tại đây, tiếp theo là những công ty nội địa gồm Lava, Micromax và Intex, xếp sau có Lenovo đến từ Trung Quốc. Công ty phân tích nhấn mạnh rằng, các thiết bị 4G đã giúp Samsung tăng gấp ba lần lượng smartphone bán ra, trong đó công đầu phải kể đến mẫu Galaxy Grand Prime và Galaxy J2.
"Cứ hai smartphone bán ra tại Ấn Độ, một cái có màn hình từ 5 inch trở lên", nhà phân tích Jaipal Singh của IDC nói. "Hầu hết các thiết bị phổ biến tại đây hỗ trợ mạng 4G, sở hữu màn hình lớn và giá hấp dẫn, dưới 200 USD".