NATO đề nghị Anonymous để chiến tranh với IS cho chuyên gia
Cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo được thực hiện bởi Anonymous đã mang lại "một số kết quả tốt", Tiến sỹ Jamie Shea, Phó tổng thư ký NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) phụ trách các thách thức an ninh mới, cho biết. Nỗ lực này đã cho IS thấy, nhóm khủng bố không chỉ chống lại chính phủ hay các cơ quan nhà nước mà còn đối đầu toàn nhân loại.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã sử dụng Internet làm công cụ giao tiếp, tuyện dụng và kêu gọi hỗ trợ, đồng thời sở hữu tới 46.000 tài khoản Twitter, Tiến sỹ Shea thừa nhận. "Đôi khi các tài khoản Twitter cũng trở thành nguồn tin hữu ích cho công tác tình báo". Song những nỗi lực của Anonymous gần đây khi phát động chiến tranh mạng với IS có thể phản tác dụng.
Nhóm hacker Anonymous tuyên bố quét sạch bóng IS trên mạng. |
"Sẽ là tốt hơn nếu Anonymous nhường lại cuộc chiến cho các cơ quan chức năng, những người nắm vững các chiến lược tốt nhất và các phương pháp tốt nhất", quan chức NATO cho hay.
Bàn về việc theo dõi các đối tượng nghi là theo IS, Tiến sỹ Shea đã lấy ví dụ về Pháp, nơi tình báo nước này đang theo dõi trên 15.000 người nghi ngờ tham gia hoặc ủng hộ mạng lưới khủng bố. Con số này cao hơn rất nhiều so với chỉ một hai nghìn đối tượng vào năm ngoái. "Và phải cần đến 36 sỹ quan tình báo làm việc toàn thời gian để theo dõi một đối tượng duy nhất", ông nhấn mạnh.
"Điều quan trọng không chỉ theo dõi mà còn phải nỗ lực để nhìn ra thời điểm người đó thay đổi theo hướng cực đoan", quan chức NATO lưu ý. Dấu hiệu rõ ràng để nhận ra điều này là các cá nhân hợp lại với nhau và bắt đầu "đào tạo hay vẽ ra các âm mưu, thuê một ngôi nhà hay nhập khẩu chất nổ...".
Theo dõi các hoạt động liên quan đến khủng bố không dễ dàng, Tiến sỹ Shea cho biết. "Bởi cũng giống như cục tình báo là nơi tập hợp những người tài năng, không may, những kẻ khủng bố cũng vậy".
Đại diện NATO đề cập thêm đến các nỗ lực của chính phủ trong việc kiểm soát Internet và truy cập dữ liệu riêng tư của công dân. Vấn đề này liên tục gây tranh luận gay gắt tại nhiều quốc gia, "nên cân bằng giữa quyền tự do cá nhân, song việc nhà nước và cơ quan tình báo truy cập vào các dữ liệu này là cần thiết".