Bốn ứng dụng xuất sắc tại S.M.A.C Challenge 2015
Sau vòng Bán kết diễn ra ngày 14-15/11 tại Hà Nội và TP HCM, bốn trong số 16 đội đạt điểm cao nhất cuộc thi Viết ứng dụng điều khiển bằng giọng nói (S.M.A.C Challenge 2015) do FPT tổ chức đã được chọn vào vòng Chung kết.
Các đội đều có sản phẩm là những ứng dụng có tính thực tế cao, trong đó có nhiều ứng dụng có khả năng góp phần giải quyết các bài toán của xã hội như giáo dục, giao thông...
Trong số này, đội UET – TNA thuộc Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội trình diễn ý tưởng về robot kể chuyện "Mom and Kids". Từ nhu cầu của các bé muốn được nghe kể chuyện nhưng bố mẹ lại ở xa hoặc không có thời gian, "Mom and Kids" ra đời và đóng vai một người bạn có thể trò chuyện, cùng trẻ làm toán cơ bản, chơi các trò chơi trí tuệ. Với số điểm 8.617, "Mom and Kids" là ứng dụng được đánh giá cao nhất ở vòng bán kết.
Còn đội 3TM đến từ Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP HCM lại chọn phát triển ứng dụng "Mimi - Người máy giao tiếp", được điều khiển bằng giọng nói. Dựa trên số liệu do chính người dùng cung cấp, Mimi giúp gia đình theo dõi sự phát triển của bé, tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý, tra cứu những triệu chứng, cách phòng bệnh cho bé… Đội 3TM còn bổ sung tính năng tạo lịch tiêm phòng vacxin, giúp các mẹ không quên những thời điểm quan trọng này của con.
Đội 3TM đang trình diễn ứng dụng. |
Một ý tưởng khác cũng được đánh giá có tính thực tế cao là "iCook - Trợ lý nhà bếp" của đội Infinity thuộc Học viện Bưu chính viễn thông Hà Nội. Sản phẩm có các tính năng thú vị như công thức nấu ăn, tư vấn món ăn, thống kê hàm lượng dinh dưỡng, chế độ ăn uống cho từng thành viên, nhắc nhở ăn kiêng, hẹn giờ báo thức (tắt lò nướng, tắt bếp), quản lý thiết bị nhà bếp, chia sẻ món ăn lên mạng xã hội…
Đào Hoàng Tiến, sinh viên năm thứ tư và là đội trưởng của Infinity chia sẻ: "Việc vận dụng công nghệ S.M.A.C trong xây dựng ứng dụng giúp đội giải quyết được nhiều vấn đề. Đặc biệt mô hình Client - Server khiến việc lập trình và chuyển đổi nền tảng của các thí sinh được dễ dàng hơn. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất là chúng em ít có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu về công nghệ này. Em mong muốn sau cuộc thi, FPT sẽ tiếp tục cung cấp kho tài nguyên cho các trường đại học để sinh viên có thể làm quen thường xuyên hơn, nhờ đó sản phẩm sẽ hoàn thiện hơn".
Ứng viên cuối trong cuộc đua giành ngôi quán quân của S.M.A.C Challenge 2015 là đội Feed&Quit đến từ Đại học FPT. Sản phẩm của nhóm là hệ thống hỗ trợ dẫn đường (xe bus và xe máy) trên thiết bị thông minh bằng giọng nói. Ứng dụng còn có các chức năng như bản đồ offline (hỗ trợ cả khi thiết bị không có 3G), thông báo khi đi sai đường với giao diện sử dụng đơn giản.
Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ FPT, bốn ứng dụng lọt vào chung kết S.M.A.C Challenge 2015 đều có tính thực tế cao, đã được hoàn thành cơ bản và hoàn toàn có thể đưa vào sử dụng. Ngôi vô địch năm nay sẽ được xác định sau trận chung kết dự kiến ngày 29/12 tới tại TP HCM.
Với chủ đề "Số hóa giọng nói", S.M.A.C Challenge 2015 do Tập đoàn FPT tổ chức là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu đồng, trong đó giải Nhất là 100 triệu đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật). Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư.
Thùy Trinh