Bí mật đằng sau những chiếc điện thoại cũ
Công ty dữ liệu Blancco Technology đã kiểm tra 122 thiết bị cũ và nhận thấy có tới 48% các ổ lưu trữ vẫn còn sót lại dữ liệu. Hơn hơn 2.000 e-mail, 10.000 cuộc gọi, tin nhắn SMS, ảnh và video đã được khôi phục lại từ 35% số điện thoại di động được kiểm tra.
Đáng ngại hơn, các chuyên gia nhận thấy người dùng đã có ý thức trong việc xóa hết thông tin trước khi bán lại hoặc cho thiết bị, nhưng vẫn không thể xóa triệt để khiến các thông tin nhạy cảm có thể bị rơi vào tay những kẻ chuyên thu gom dữ liệu để kiếm chác.
"Dù bạn là người dùng cá nhân hay một tổ chức, doanh nghiệp, việc không xóa vĩnh viễn các thông tin sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng", Paul Henry, cố vấn bảo mật tại Blancco Technology, nhấn mạnh. "Có nhiều giải pháp xóa dữ liệu được cung cấp cho người dùng nhưng dường như chúng hoạt động không được như quảng cáo".
Ai cũng có những thông tin riêng tư được lưu trên điện thoại và có thể chúng dễ dàng được khôi phục dù người dùng đã xóa dữ liệu. |
Robert Siciliano, chuyên gia bảo mật Mỹ, vẫn thường bán thiết bị cũ khi không cần chúng nữa. Nhưng giờ ông không bao giờ làm thế sau khi thực hiện một thí nghiệm nhỏ vào năm 2012. Ông lên mạng mua 30 thiết bị số như iPhone, iPod, laptop, notebook... để xem sẽ tìm thấy những loại thông tin gì trong đó.
Siciliano khôi phục được dữ liệu trong hơn 50% thiết bị mua về. "Tôi thấy ảnh gia đình, tài liệu cá nhân, giấy tờ tòa án, hồ sơ trẻ em, tên, mật khẩu, số an sinh xã hội, tài liệu thuế... thậm chí là rất nhiều ảnh khỏa thân", chuyên gia này chia sẻ. "Vấn đề là khi bạn reset hệ điều hành, nó thường không hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ mà nó phải làm, khiến dữ liệu của bạn rơi vào tay người khác".
Công ty Avast cũng từng thực hiện thử nghiệm tương tự năm 2014. Họ mua 20 smartphone cũ trên eBay. Tất cả đều đã được người bán xóa dữ liệu thông qua bước "factory reset" của nhà sản xuất. Nhưng chỉ bằng việc dùng một số phần mềm khôi phục, Avast đã nắm trong tay hơn 40.000 e-mail. tin nhắn và ảnh nhạy cảm.
Châu An