Cuộc đua giá rẻ làm thay đổi thị trường smartphone
Trên góc độ người dùng, hệ điều hành Android là một sản phẩm hiệu quả và là nền tảng duy nhất có thể cạnh tranh được với Apple iOS. Trong cuộc đua này, Google cùng các đối tác đã thổi bùng lên trận chiến cấu hình và giờ là giá bán. Những tác động trên khiến thị trường smartphone phát triển nóng hơn bao giờ hết, kéo theo đó là những khoản lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, những hệ lụy kéo theo cũng không hề nhỏ.
Xiaomi nổi lên là một thương hiệu smartphone cấu hình cao, giá tốt. |
HTC, một trong những nhà sản xuất Android hàng đầu vừa công bố cắt giảm 15% nhân lực sản xuất để phù hợp với tình hình kinh doanh suy giảm. Có nghĩa, khoảng 2.300 công nhân của công ty Đài Loan sẽ phải tìm việc làm mới. Lenovo cũng có động thái tương tự khi công ty này tuyên bố sa thải 3.200 nhân công, trong nỗ lực cắt giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh. Cả hai đều cho rằng, Trung Quốc là thị trường quan trọng, nhưng không có nghĩa là ai cũng có thể thành công khi phải chống lại một nhóm các đối thủ cạnh tranh. Theo lời Giám đốc điều hành Lenovo, ông Yang Yuanqing, đây là "một cuộc chơi phi lý".
Sau cấu hình là chạy đua về giá
Như để chứng minh cho câu nói của ông Yang, Xiaomi đã giới thiệu mẫu Redmi Note 2 với giá chỉ 125 USD nhưng có màn hình tương đương iPhone 6 Plus, bộ xử lý giống HTC One M9+. Model này cũng có khe cắm thẻ microSD, điều khiển hồng ngoại và lấy nét theo pha - một tính năng cao cấp được trang bị cho Galaxy S6 hay iPhone 6. Để sở hữu tất cả những yếu tố trên bên trong một thiết bị, người dùng chỉ phải chi khoảng 2,7 triệu đồng.
Dù có lợi nhuận, phân tích cho thấy số tiền Xiaomi kiếm được từ Redmi Note 2 rất ít. Chưa hết, Xiaomi hiểu rằng lợi nhuận "mỏng như dạo cạo" mà họ tạo ra sẽ gây ảnh hưởng tới đối thủ - những công ty phải chịu nhiều phí để hỗ trợ, phân phối toàn cầu. Lenovo cũng là một công ty Trung Quốc, có lợi thế về địa lý trong sản xuất và bán hàng, nhưng cũng rất khó cạnh tranh cùng Xiaomi.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy, số công ty tham gia sản xuất thiết bị Android đã lên tới 1.300 nhãn hiệu khác nhau, gấp ba so với năm 2012. Làm thế nào để 1.300 công ty có chỗ đứng trên thị trường, khi mà các tên tuổi lớn trong ngành lần lượt "sa lầy" bởi các vấn đề tài chính? Hầu hết các công ty tồn tại hôm nay không có khả năng tiếp tục đến ngày mai. Đó là những gì CEO Lenovo mô tả về sự phi lý: có những doanh nghiệp bán điện thoại Android, đặc biệt là ở Trung Quốc, không quan tâm đến sự bền vững mà chỉ nhìn đến lợi ích trước mắt.
Các giá trị tiềm ẩn bị mất đi
Các công ty phát triển smartphone Android rơi vào tình cảnh sản xuất mà không có lợi nhuận. Trên phương diện người tiêu dùng, điều này mang đến những sự lựa chọn tuyệt vời bởi giá rẻ, nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề có thể chúng ta chưa để ý hết.
Khách hàng có lẽ rất hào hứng khi mua được chiếc Android "giá hời" đến từ Thẩm Quyến (Trung Quốc) với thông số kỹ thuật ấn tượng bên dưới lớp thương hiệu mà có thể họ lần đầu nhìn thấy. Thiết bị này có pin tháo rời, nhưng liệu lúc khách hàng cần thay pin sẽ biết mua ở đâu? Smartphone ấy lúc bán ra chạy Android bản mới nhất, nhưng ai sẽ đảm bảo việc cập nhật trong tương lai? Và ai sẽ chịu trách nhiệm với các lỗi kỹ thuật như máy quá nóng, hiển thị sai?
Phóng viên TheVerge đặt rất nhiều dấu hỏi về việc đảm bảo quyền lợi sau bán hàng từ một thương hiệu mới thành lập. Mặc dù HTC và Sony đang phải vật lộn để duy trì bộ phận điện thoại di động, nhưng rõ ràng họ không thể biến mất một cách chóng vánh. Và ngay cả khi cập nhật Android, các thiết bị của hãng luôn được nâng cấp sớm, hay ít nhất là nỗ lực để mang giá trị sau bán hàng đến với người tiêu dùng.
Giá trị của một chiếc smartphone không chỉ gồm các linh kiện lắp ráp. Ảnh minh họa. |
Xu hướng hiện nay của nhà sản xuất là âm thầm loại bỏ các chi phí phát sinh. OnePlus được coi là một ví dụ điển hình, các mẫu smartphone của họ luôn được nhận xét "hàng khủng giá mềm" nhưng mất rất ít chi phí cho tiếp thị và chào bán qua thư mời. Chi nhánh tại Mỹ của Lenovo (đồng sở hữu thương hiệu Motorola) đang tiếp cận thị trường theo hướng tương tự trong năm nay. Họ tung ra mẫu Moto X và Moto G 2015 với giá thấp ấn tượng. Nhưng đằng sau các cuộc đua giảm giá liệu có là giá trị lâu dài?
Không ai nhắc đến tính vững bền
Cũng giống như sự tăng trưởng của định luật Moore, giá điện thoại thông minh đang giảm dần, trong khi hiệu năng sử dụng ngày một nâng cao. Đó là xu hướng tốt đẹp mà bất kể ai cũng đón mừng. Nhưng để xu hướng này tiếp tục phát triển, cần những giá trị cốt lõi từ các nhà sản xuất. Apple và Samsung đang đi đúng hướng, Android ngày càng trở nên quan trọng với Google. Tuy nhiên ngành smartphone nói chung đang gặp nhiều khủng hoảng, biểu hiện là các báo cáo tài chính khá tệ.
Khi tình hình kinh doanh thiếu khả quan, dịch vụ khách hàng sẽ bị ảnh hưởng và hàng vạn nhân lực trong lính vực này dễ dàng bị lao đao. Để thay đổi điều này, người dùng phải mua chúng, chứ không chỉ trả tiền để sở hữu một đám linh kiện tạo nên một chiếc smartphone.