Chuyện câu like trên mạng xã hội
Trên các mạng xã hội, không thiếu những câu chuyện về sự quan tâm ảo của giới trẻ. Một thành viên của hội từ thiện từng là nạn nhân của sự quan tâm "ảo diệu" này.
Khi chia sẻ về kế hoạch quyên góp tiền tổ chức Tết cho trẻ em, cô nhận được lời hứa ủng hộ của một nhân vật có tiếng tăm trên mạng xã hội. Bình luận của nhân vật này đã thu hút hàng trăm "like" vì cảm kích tấm lòng nghĩa hiệp. Nhưng đến khi cô nhắn tin đề nghị chuyển khoản, nhân vật này chỉ im lặng và còn xóa kết bạn với cô.
Hay câu chuyện cô gái tung bức ảnh ẵm cháu ruột của mình và tạo ra câu chuyện "nuôi con của tử tù" thời gian qua cũng là một minh chứng cho cách "sống ảo" mà không ít bạn trẻ đang điên cuồng theo đuổi. Tất cả cũng chỉ vì muốn được nhiều "like", muốn thể hiện mình trên mạng xã hội mà cô gái này đã dựng lên câu chuyện đầy thương cảm để lấy nước mắt thiên hạ. Không ít các bạn trẻ cũng đang xem việc "câu like" là tất cả và sẵn sàng "sống ảo" hết mức để nhận được tung hô từ cư dân mạng.
Dân nghiện "sống ảo" không cần phải đến gặp mặt nhau, trò chuyện trực tiếp, chỉ cần nhắn tin qua mạng. Kể cả khi đi chơi cùng nhóm bạn, sự giao tiếp thật cũng đành nhường nhỗ cho việc hí hoáy trên điện thoại. Đến những quán cà phê cho giới trẻ, dễ thấy mỗi người đều chúi mũi vào điện thoại, máy tính bảng của mình thay cho việc cười đùa, nói chuyện cùng nhau.
Liệu sống thật có đang bị lép vế trước sự xâm lấn của làn sóng "sống ảo", cùng xem chia sẻ của nhân vật Phở Đặc Biệt về vấn đề này qua clip "Yolo đi mấy chế".