Bố ơi! Điện thoại
Có những lời ca đẹp, có những vần thơ hay, có những lời đắng cay, có những lúc con “vừa hâm vừa khùng” làm trái lời bố dạy, thế mà bố vẫn lặng lẽ nhìn con không trách mắng nhưng nước mắt bố rơi. Trên đời này, hạnh phúc nhất chính là có bố cạnh bên.
Con hai mươi, lớn rồi nhưng ít va chạm, cứ hay quanh quẩn giữa trường học và nhà. Con không chăm chỉ, chỉ hay viện cớ và quán ăn nho nhỏ là cái cớ lớn nhất để bù đắp cho sự biếng nhác của một người “trưởng thành”. Con không tham gia nhiều hoạt động của trường, con cũng chẳng buồn học thêm điều mới bởi với con đậu đại học đã là một điều kì diệu: xóm mình có ai học cao như con đâu?
Bố mà biết được cái suy nghĩ thiển cận này của con chắc bố phải khóc thét bố nhỉ? Nhưng con có bao giờ nói chuyện hơn năm phút với bố đâu, vì thế, con tự tin rằng bố chẳng thể nào biết được.
Trời bắt đầu lạnh hơn khi Tết đến gần, cái chân cứng nhắc, đau buốt mỗi khi nhấc lên làm bố hay nhăn nhó. Nhà mình bán hàng nên nhiều khi đau bố chỉ im lặng chịu đựng, tận đến khi mẹ nói mãi thành ra “nói nhiều” bố mới chịu đi bệnh viện gặp bác sĩ. Cũng lần ấy mà con suýt khóc ầm lên như trẻ nhỏ, nghĩ lại một đứa con gái mặt già chát như bà thím mà la lối ầm ĩ ngoài hành lang bệnh viện, chắc người ta nghĩ con điên.
Bố đi khám bệnh ở gần nhà, thế mà từ sáng đến sáu giờ tối bố vẫn chưa về. Quán ăn nhà mình không đông như mấy quán phở Hà Nội nhưng người ra người vào khiến chẳng ai nhớ bố đi đâu, chỉ khi bếp lò sắp tắt mẹ nói con gọi bố ra mồi than con mới ngớ người: “Biết tìm bố ở đâu bây giờ hả mẹ? Bố có mang điện thoại đâu”.
Đạp chiếc xa đạp điện cạn bình con vừa bực vừa giận bố vì “bắt tội người khác” quá thể, bố lớn tuổi ngại cầm nhiều thứ linh tinh, kể cái điện thoại cục gạch của mẹ, bố cũng không chịu mang theo. Con chạy khắp mấy khoa nội - ngoại mãi mới thấy bố đang nằm co người trên hàng ghế xanh trước phòng tiết niệu. Con sững người, cả hai tay lạnh ngắt vì gió trở nên buốt, dường như có một luồng khí chặn đứng cổ họng con, cả mắt con cũng thấy nhòe đi.
Tuổi trẻ của bố là những năm đi lính Campuchia, là màu trắng hải quân ở Phú Quốc, bố vẫn nói đó là khoảng thời gian đẹp, được sống “sung sướng” nhưng con biết đời bố vất vả từ khi còn là nhi đồng đến tuổi thiếu niên cuốc bộ đi tìm con chữ những năm bom đạn và tận khi quay về thời bình, về với gia đình đời bố vẫn gắn liền với hai chữ “vất vả”.
Nhìn bố nằm như thế, bình thường con sẽ xấu hổ không dám đến lay bố dậy nhưng không hiểu sao khi ấy con chỉ muốn biết: “Bố nằm đó không đau lưng sao? Nếu mệt, bố về nhà ngủ cũng được mà”. Chân con không đau nhưng đột nhiên bất động như người bị liệt, con không nhấc nổi chân mình, con đứng nguyên một chỗ rất lâu, đợi bố trở mình mới dám đến gọi bố dậy.
“Nãy giờ bao nhiêu người chụp ảnh bố đấy, bố khám bệnh có bị gì không?”, con chỉ nói được mấy câu vô duyên ấy để ngăn nước mắt mình rơi thôi bố ạ, con kém lắm đụng tí là khóc, mà đã khóc là mè nheo kinh khủng, còn lâu con mới nín. Bố nhìn con, tay bố với với vô định, bố già thật rồi, các khớp xương cứng đơ không chịu vận động làm con phải gò sức mới kéo được bố ngồi dậy. “Mấy giờ rồi? Mà lại ra đây làm gì, bố nằm tí rồi về, mất cả công ra”.
Nhìn nếp nhăn không chịu phẳng phiu trở lại trên khuôn mặt bố, con chợt nhận ra bao nhiêu điều tốt đẹp con có được chính là từ những nếp nhăn ấy. Con nhìn bố chỉ cười cười, lần đầu tiên con khoác tay bố đi được một quãng đường dài, lần đầu tiên con thủ thỉ với bố: “Mai con xin đi làm Tết ở Suối Tiên, con mua điện thoại bố nhé”. “Bố mẹ không cần mày phải chạy ngược xuôi như thế nhưng cứ đi xem sao, điện thoại mua cái tốt vào, đừng xài lằng nhằng lại hại mắt con ạ”.
Đêm về khi cái lạnh làm con trở mình, con nghĩ về bố, về món quà mà con sẽ tặng bố, chiếc điện thoại Samsung Galaxy Core Prime G360. Trong giấc mơ con thấy tay bố cầm điện thoại nhẹ tênh vì máy chỉ nặng 130g với kích thước nhỏ gọn, thanh mảnh. Bố đừng cười con vì con lại “keo kiệt” khi mua điện thoại giá rẻ nhưng đây là một chiếc điện thoại trên cả giá tiền bố ạ. Có điện thoại, bố đi đâu xa nhà mình cũng có cái để liên lạc với nhau, những ngày bác bán báo nghỉ bố cũng đọc tin tức dễ dàng hơn và quan trọng là khi con muốn nói với bố những điều khó nói trực tiếp con sẽ gọi cho bố.
Từ Thị Phượng
Từ ngày 14/1 đến 24/2, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi viết "Quà Tết yêu thương" để chia sẻ những cảm xúc, câu chuyện thú vị về món quà công nghệ dành tặng người thân. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |