Tết trọn vẹn
Đã lâu không về thăm nhà, đời sinh viên với biết bao niềm thương nỗi nhớ gia đình ở đất Sài Gòn này cộng với những tháng ngày cơ cực của ba tôi là động lực để tôi cứ phải cố gắng học thật chăm chỉ mong có được một tương lai tươi sáng. Nhà ở quê tôi nghèo, nhà tôi năm người, mẹ tôi là thợ may cũng chỉ kiếm được dăm ba đồng, còn ba là trụ cột chính trong gia đình nuôi năm miệng ăn, chưa kể tiền ăn học của ba anh em tôi. Tôi thương ba lắm!
Dáng ba không lớn, người gầy. Mái tóc lấm tấm sợi bạc. Đôi mắt nhiều vết chân chim luôn dõi theo con cái, luôn hướng về gia đình. Mũi ba to nhưng… có phải vì nó chính là mũi của ba nên tôi thấy nó hài hòa với gương mặt ba lắm. Miệng ba luôn nói lời thẳng thắn, ba luôn kể những câu chuyện để dạy nhiều bài học ở đời cho anh em tôi.
Tính ba hiền lành, vui vẻ và luôn giúp đỡ người khác. Ba là tài xế xe tải chở hàng cho chủ vựa cá. Quần áo ba mặc thì luôn là áo thun rộng, đa số là của người ta cho, quần tây rách mấy lỗ, nhưng mẹ tôi cũng đã vá lại rồi và không thể không có mùi cá quen thuộc vây bám theo quần áo của ba. Đôi dép tổ ong nó bền như thế mà ba mang đến đứt và còn tự sửa bằng cách lấy dây chì quấn cột lại mang tiếp.
Ba tôi đi làm bất kể nắng mưa, bất kể đêm hay ngày, cứ có tàu ghe đi biển vào lên cá thì ba lại phải giao khắp nơi. Cứ thế nên ít khi ba ở nhà, nhưng lần nào về ba cũng đem một hai con cá xin của chủ vựa. Ba còn kiêm luôn việc xuống cá cho người ta, mỗi ngày bưng bê mang vác khối lượng nặng nên giờ lưng của ba cũng đã có triệu chứng đau nhức, trật khớp. Về đến nhà ba lại kêu mẹ xoa bóp, tôi cũng đến gần để đấm lưng bóp chân cho ba, nhưng dường như đôi tay này quá nhỏ không thể làm dịu hết những cơn ê ẩm trong người ba. Tôi thấy thương ba thật nhiều!
Khi nhỏ, tôi đòi ba cho theo đi giao hàng. Hôm đó ba chở cá đêm, xe chạy vùn vụt dưới ánh đèn đường mờ ảo, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Khoảng hai ba giờ đêm tôi tỉnh giấc, nhìn quanh chẳng thấy ba đâu, tôi leo xuống xe thì nhìn thấy ba vác một thúng cá to đùng mà loạng choạng suýt ngã nhưng cố gồng người để trụ vững lại. Mùi cá xộc vào mũi thật khó chịu. Tôi đứng nhìn ba mồ hôi nhễ nhại, mùi tanh cá quấn lấy cơ thể. Tôi chợt biết ơn cái mùi cá ấy, nó nuôi sống gia đình tôi. Sau khi xuống hàng, leo lên xe tải ngồi, tôi hỏi ba:
- "Sao ba không thuê người ta khiêng mấy thùng đó vậy? Một mình ba làm hết sao được?
- Tiền đâu mà thuê con, tự ba làm luôn thì có thêm tiền của chủ. Mấy năm nay ba cũng làm có sao đâu con gái".
Tôi bỗng cảm thấy bản thân mình vô dụng. Nhưng sau này lớn lên, tôi mới biết muốn thoát khỏi cái nghèo thì chỉ có con đường học vấn mới có thể dẫn dắt tôi đến một tương lai tươi sáng. Tôi quyết tâm học thật giỏi, năm nào cũng có bằng khen cho ba vui. Và rồi tôi cũng thi đậu đại học.
Cái ngưỡng cửa cho ước mơ của tôi đã rộng mở. Khi đó ba dùng số tiền dành dụm mua cái điện thoại Samsung để tôi và ba tôi có thể liên lạc với nhau khi xa nhà và cũng tiện để tôi và anh hai liên lạc khi cần vì anh hai cũng đang học và làm trên Sài Gòn. Tôi vui sướng bước chân lên thành phố xa hoa mỹ lệ để tiếp tục việc học và ước mơ giúp gia đình thoát nghèo.
Tôi vô tâm vô tình quên mất học phí đại học cũng chính là khó khăn lớn mà ba tôi phải gánh, chưa kể chi phí ăn ở nữa. Bất giác tôi nghĩ đến anh hai cũng còn đang học cao đẳng trên đây, cũng làm đủ việc, chỗ này chỗ kia nên có thể tự trang trải học phí, còn chi phí ăn ở thì ba tôi gửi lên.
Ngay từ năm nhất tôi đã tìm kiếm việc làm thêm khắp nơi để có thêm thu nhập phụ giúp ba như anh hai. Tôi làm phục vụ quán cà phê, chạy bàn cho nhà hàng, phát tờ rơi và làm gia sư nữa. Thu nhập cũng giúp đỡ được ba tôi phần nào gánh nặng để ba lo cho em út. Nó đang học lớp 10 ở trường chuyên và cũng đủ bằng khen loại giỏi. Ba anh em tôi biết tự giác học hành lắm, nhờ có anh hai làm công tác tư tưởng cho tôi và em út, anh hai luôn dặn phải thật cố gắng để ba mẹ vui, để ba đỡ gánh nặng lo toan cơm áo gạo tiền và phải học để giúp gia đình mình thoát nghèo.
Sài Gòn hoa lệ - hoa của người giàu và lệ của người nghèo. Tôi học ở Sài Gòn cũng quen được với cái cuộc sống tự lập, cũng biết tự lo cho bản thân mình. Thi thoảng vẫn liên lạc với anh hai để gặp nhau tâm sự những chuyện buồn vui trong cuộc sống. Sinh viên năm nhất thư thả lắm…
Tôi cắm đầu vào đi làm thêm, tiền kiếm được cũng đủ xài, lắm lúc anh hai kẹt tiền, tôi cũng đưa hai tiêu, đến khi tôi túng thiếu gì, hai cũng sẵn sàng bỏ tiền ra mua . Anh em tôi ở Sài Gòn nương tựa nhau mà sống. Khi nào về quê, anh em sắp xếp cùng về để ăn bữa cơm gia đình ấm cúng với ba mẹ và em trai. Ở đây cuộc sống tấp nập ồn ào đôi lúc khiến tôi quên mất gia đình, thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn: “Ba nho con gai lam!”.
Ba không biết sử dụng điện thoại chỉ biết bấm vài chữ ngắn gọn không dấu như thế này. Tôi gọi ngay về cho ba hỏi thăm, lần nào mẹ cũng sụt sùi, ba thì luôn nói lời động viên con gái gắng học. Chính những tin nhắn của ba làm tôi thức tỉnh trong kiếp sống hối hả này. Ba kéo tôi về với thực tại gắn với gia đình, để không sa ngã giữa chốn Sài thành nhiều cạm bẫy. Con gái cũng nhớ ba lắm!
Cách đây vài tháng, điện thoại của ba bị hỏng, mỗi lần muốn nói chuyện với con gái ba phải sang nhà chú Tư hàng xóm mượn điện thoại. Dần dà một hai lần thì không sao, nhưng sau đó người ta khó chịu và nhiều lần nói mỉa mai mà vô tình tôi nghe được trong điện thoại:
- "Điện thoại lâu nay quên nạp thẻ, không biết còn tiền không nữa? Chứ nói nhiều, nói lâu ai mà chịu nổi…
- Dạ dạ, tôi xin lỗi, tôi nói chút xong ngay…" - giọng ba tôi lí nhí trong điện thoại.
Tôi nghe mà không kiềm được cảm xúc, hai mắt đỏ hoe, tôi không nói được nữa, tôi không thể tiếp tục nói để ba tôi phải ngồi đó nghe người ta xúc phạm như vậy nữa. Tôi nghĩ đến bó rau muống mà ba cắt sau hè, những con cá ba đem biếu chú Tư. Tôi thắc mắc thì ba lại: “Hàng xóm tình nghĩa mà con”. Ừ giờ thì tình nghĩa đó, tại sao con người có thể thay đổi chóng mặt như vậy. Khi nhận ơn của người khác thì cười cười nói nói… Tội nghiệp ba tôi. Tôi cứng giọng:
- "Thôi ba trả điện thoại cho người ta đi, sau này ba đừng làm phiền người ta nữa. Trong thời gian sắp tới con thi cử học hành nhiều lắm. Con biết phải tự lo cho bản thân mình mà. Ba yên tâm cho con gái nha. Ba gắng giữ gìn sức khỏe. Vài tháng nữa con về. Giờ con đi học đây.
- Ừ con nhớ ăn uống đều đặn có sức khỏe học bài nha con, nếu thiếu thốn gì thì gọi về cho chú Tư nha con. Ba thương nhớ con gái lắm.
- Dạ con biết rồi ba. Con cúp máy đây".
Gác máy, tôi òa lên khóc nức nở, thương ba hằng ngày làm lụng vất vả, thương ba ngày ngày phải đi làm thuê để chắt mót từng đồng cho mấy đứa con, cho đứa con gái học đại học ở Sài Gòn với biết bao chi phí đắt đỏ này. Tôi biết ba bỏ ngoài tai tất cả, nhưng ba ơi con không thể nào quên được cảm xúc khi ấy…
Con thực sự muốn ôm ba thật chặt vào lòng, con muốn bảo vệ ba khỏi những kẻ xấu xa. Họ thật đáng ghét phải không ba? Con biết ba không trách người ta nhưng con gái không muốn và không thể nào giả vờ không biết việc ba bị xúc phạm như vậy. Chẳng phải là quá đáng lắm sao? Con hứa sẽ không để ba bị như vậy một lần nào nữa đâu, con gái hứa!
Ba nhịn ăn, nhịn uống. Tôi biết tính ba mà, chẳng bao giờ ba lo gì cho ba cả. Tôi càng có quyết tâm phải học thật tốt, đi làm thêm để tích góp tiền trang trải và trước mắt là mua cho ba tôi một chiếc điện thoại di động khác. Sau này tôi cũng sẽ mua một căn nhà đầy đủ tiện nghi, tôi sẽ mở một cửa hiệu kinh doanh gì đó để ba mẹ ngồi nhà làm cho nhẹ nhàng, bù lại những ngày ba mẹ vất vả vì anh em tôi.
Tôi luôn tự hứa với bản thân mình điều đó. Đây chính là mục tiêu của tôi. Tôi cố gắng làm nhiều việc làm thêm, ăn uống chi tiêu tiết kiệm và giờ thì tôi cũng đã có thể sắm cho ba tôi một chiếc điện thoại khác, tuy không đắt tiền nhưng nó có thể giúp ba liên lạc được với anh em tôi, có thể giúp ba liên lạc với chủ ghe và ít ra cũng không phải nghe những lời nói mỉa mai xúc phạm nữa.
Chỉ còn vài ngày nữa con sẽ được nghỉ Tết, con cũng mua được cho ba một chiếc điện thoại. Con với anh hai hùn tiền mua cho ba được một cái áo ấm để ba mặc chạy xe ban đêm lạnh lẽo, còn một cái sơ mi mặc Tết nữa. Mẹ thì chẳng năm nào mẹ sắm đồ gì cho mình cả, mẹ chỉ mua cho ba anh em con, giờ thì con với anh hai cũng đã mua được cho mẹ hai cái áo, còn mua được cho thằng út một bộ đồ.
Con và anh hai đã nhất trí sắm cho bản thân mỗi đứa một cái áo để dành dụm tiền mua đồ cho cả nhà và còn dư đem về để nhà mình năm nay ăn được một cái Tết đầy đủ trọn vẹn, còn một ít sẽ để riêng cho việc chi tiêu sau Tết của hai anh em. Ba mẹ hãy yên tâm vì con với anh hai đã biết tự lo cho bản thân mình rồi.
Con ước gia đình mình mãi luôn vui vẻ, hạnh phúc, ước cho ba mẹ nhiều sức khỏe, sống thật lâu để dõi theo từng bước anh em con đi đến thành công và để sau này ba mẹ sung sướng, an hưởng tuổi già bên con cháu. Con chắc rằng năm nay gia đình mình sẽ ăn Tết thật ý nghĩa, thật hạnh phúc bên nhau.
Con yêu ba nhiều lắm! Cả mẹ nữa, con cũng yêu mẹ!
Tôi yêu gia đình tôi!
Lâm Ngọc Trầm
Từ ngày 14/1 đến 24/2, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi viết "Quà Tết yêu thương" để chia sẻ những cảm xúc, câu chuyện thú vị về món quà công nghệ dành tặng người thân. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |