Trả lại tuổi thơ cho bố
Cho tôi hỏi, liệu công nghệ hiện đại phải chăng chính là lưỡi kéo khắc nghiệt cắt đứt mối quan hệ của lớp người già và bọn trẻ vốn đang nỗ lực cùng nhau tồn tại trong cùng một nhịp sống?
Tôi nhớ hồi thằng Bin cháu tôi còn bé, hai dì cháu thường có cái trò giả bộ nói chuyện với nhau bằng đồng hồ. Tôi bảo nó là: “Bin cứ la lớn vào đồng hồ đeo trên tay nha, thể nào dì cũng nghe được. Nếu dì không lập tức xuất hiện thì chắc là đồng hồ hết pin thôi”.
Bây giờ thằng nhóc cũng đã có Facebook rồi, nó còn chịu cho dì của nó vinh dự nằm trong friend list của nó nữa. Tôi cũng từng hỏi nó sao nhà mình Bin chỉ chịu “làm bạn” với dì vậy, thì nó bảo là bởi vì dì trẻ nhất nhà. À, vậy đó! Người trẻ luôn quan niệm rằng chúng mới chính là thế hệ có quyền được tiếp xúc với những thành tựu tân tiến nhất, hiện đại nhất.
Rồi cũng chỉ có bọn nó mới có quyền được đam mê, được ngồi hàng giờ liền nhìn màn hình máy vi tính cập nhật hình ảnh “nóng hổi” của sản phẩm công nghệ vừa được “đập hộp”. Và vì tôi còn trẻ (nhất nhà) nên thằng Bin mới tạm chấp nhận tôi là một thành viên của Hội những người trẻ biết xài hàng công nghệ.
Trong mỗi một phút giây tôi nỗ lực nhích lại gần hơn với thế hệ thằng Bin thì có lẽ cả nhà vẫn chưa nhận thức được rằng muốn bước vào thế giới của người trẻ, trước hết mình phải sử dụng ngôn ngữ của chúng nó. Và hẳn là việc sở hữu một chiếc smartphone, một cái máy tính bảng sẽ hữu hiệu vô cùng trong việc tiếp cận loại “ngôn ngữ mới” này.
Có lần tôi hỏi thằng Bin sao không ra xem TV với ông, nó bảo là dễ bị mất kiên nhẫn khi phải lắng nghe những câu chuyện từ thời chiến đến thời bình được kể từ đôi môi mấp máy từ được từ mất. Họa may lắm chàng mới chịu ngồi cạnh ông, mặc ông xem TV, mặc cháu ngồi lướt Facebook, thỉnh thoảng nó la làng lên: “Sao cháu giải thích mãi mà ông không nhớ nhỉ?” thì tôi lại “ra tay nghĩa hiệp” đánh vào dầu nó cái tội vô lễ với người lớn tuổi. Nghĩ lại, phải chăng nó sợ không dám mở đầu câu chuyện chỉ vì người già như bố tôi bắt đầu không nói bằng thứ ngôn ngữ của thế giới chúng nó?
Đã bao giờ bọn trẻ như nó nghĩ rằng người tạo ra những thứ thiết bị điện tử kỳ diệu mà chúng cầm trên tay cũng từng là một người trẻ?
Khi tặng thằng Bin cái máy tính bảng, tôi không nghĩ một sản phẩm công nghệ như thế lại có “quyền” kéo dài hơn cái khoảng cách vô hình giữa hai ông cháu. Tôi chợt nhớ lại, có lần, bố tôi với cái miệng móm mém cười hề nhìn cái tay tôi lướt trên máy tính bảng và bảo rằng: “Cái màn hình sờ vào nó chuyển động được, y như phim hoạt họa ngày xưa bố được coi”.
Vậy đó, đối với người già, sản phẩm công nghệ cũng đâu đến nỗi là kẻ tội đồ cướp mất thời gian và những yêu thương từ những đứa con, đứa cháu… mà trong mắt họ, chúng chính là thứ vật chất đã hiện thực hóa những gì mà 10 hay 20 năm trước đây, bố mẹ tôi hay bố mẹ bạn chỉ nghĩ rằng có trong phim giả tưởng.
Còn đối với bọn thằng Bin, máy tính bảng giúp chúng chứng tỏ “hàng thông minh phải để cho người thông minh” và “Nếu cháu giải thích lần nữa mà ông không hiểu thì thôi nhé!”. Có vẻ như bọn trẻ bây giờ đặt giá quá đắt cho thứ gọi là “tính kiên nhẫn”, chúng dễ cho không người ngoài nhưng lại bán giá “chát” cho người nhà.
Lúc tôi đặt lên bàn chiếc Galaxy Tab S mới mua, cô bạn đồng nghiệp bảo sao sắm lắm thế, tôi phản pháo rằng không phải mua cho mình, mà là mua cho bố. Cô bạn nhìn tôi với ánh mắt “con này điên rồi” bảo: “Rồi cụ có xài hết được tính năng của nó không?”. Đương nhiên, làm sao mà bố tôi có thể xài hết được tính năng của cái thiết bị được nâng cấp hàng ngày như thế này.
Nhưng chí ít, tôi sẽ dần dần giúp bố cảm nhận rằng thời hiện đại này của con là những gì mà bố đã từng nhìn thấy trên TV trắng đen của nhiều năm trước. Nếu nhớ không nhầm thì độ chừng năm 1946, trong loạt truyện tranh của Mỹ, thanh tra cảnh sát Dick Tracy từng gọi điện thoại bằng chiếc đồng hồ đeo tay.
Giờ đây, hẳn những cô cậu từng chết mê cái thứ công nghệ ấy cũng đã ở cái ngưỡng 70 như bố tôi hoặc hơn, họ là những “fan hâm mộ” dễ đứng chăm chú nhìn cái banner quảng cáo đồng hồ Gear mà lòng tự hỏi “Có gọi điện được không nhỉ?”. Bố ơi, tuổi thơ của bố ít nhiều đã thành hiện thực rồi đấy.
Khoảng cách thế hệ có thể hãy còn rất xa, nhưng chí ít ngay tại thời điểm này, tôi tin rằng mình đã bắt đầu níu nó gần sát lại. Tôi mong rằng mình sẽ thấy những đôi bàn tay cằn cỗi nhẹ nhàng lướt trên mặt kiếng bóng loáng của chiếc máy tính bảng… để bọn trẻ thấy rằng hàng công nghệ chỉ là một người bạn lâu ngày không gặp của ông bà chúng nó thôi.
Nguyễn Thùy Dương
Từ ngày 14/1 đến 24/2, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi viết "Quà Tết yêu thương" để chia sẻ những cảm xúc, câu chuyện thú vị về món quà công nghệ dành tặng người thân. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |