Lên đời
Vợ tôi vốn là người chịu thương chịu khó, quanh năm chăm chỉ, chăm lo vun vén cho cuộc sống gia đình.
Thời chưa có điện thoại di động, tôi còn đi làm ăn xa gia đình, có khi công việc bận phải vài ba tháng mới có thể về thăm nhà một lần, cho nên thông tin về gia đình và con cái chúng tôi hẹn nhau đúng “giờ G” hàng tuần thì vợ tôi sẽ đến “điểm hẹn” để nghe tôi “gõ dây thép” về. Điểm hẹn của vợ chồng tôi thường là bưu điện gần nhà.
Sau này, lúc người ta lắp điện thoại cố định đến từng gia đình, tôi ngỏ ý bảo vợ nên lắp cái điện thoại riêng để tiện “tâm sự” thì vợ tôi tiếc tiền thuê bao, tiếc tiền gọi điện hàng tháng nên nấn ná vài năm sau mới lắp được cái điện thoại cố định. Lúc đó, vợ tôi thường “báo cáo nhanh” tình hình cho bớt nhớ nhung, cuối cuộc điện thoại bao giờ cũng có câu “Anh ít gọi điện về kẻo tốn tiền”, mặc dù trong lòng luôn mong ngóng điện thoại của tôi.
Lúc trước, khi xem phim thấy người ta rút điện thoại di động ra để nói chuyện thì cho đó chỉ là “chuyện trời Tây” hay “chuyện trong phim” mà thôi, nhưng sau đó thì điện thoại di động cũng xâm nhập vào nước ta và trở nên thịnh hành. Tôi vận động vợ đổi điện thoại di động để có thể liên hệ mọi lúc khi cần (lúc đó sóng điện thoại cũng chưa cho phép có ở mọi nơi, muốn điện thoại thì phải lên tận đầu làng hoặc trèo lên mái tầng hai nhà ông Thọ bên cạnh). Vợ tôi lấy cớ là sóng yếu để không mua điện thoại di động nhưng thực chất là muốn tiết kiệm chi phí. Lúc tôi mua cái điện thoại di động đầu tiên, vẫn chỉ gọi về cho vợ vào số cố định vào buổi tối khi vợ có mặt ở nhà.
Vẫn bản tính tằn tiện đó, nhưng hiện nay vợ tôi đã biết sử dụng điện thoại di động, tuy nhiên chỉ thường liên hệ bằng tin nhắn vì phí rẻ. Dạo đầu, người quen thấy vợ tôi sử dụng điện thoại di động thì rất ngạc nhiên. Đối với tôi, đều đó cũng dễ hiểu vì cái điện thoại di động của vợ tôi chính là cái điện thoại của tôi khi tôi muốn “lên đời” điện thoại mới để lại.
Tôi đã đổi nhiều đời điện thoại, cũng có khi là muốn có cái điện thoại đời cao hơn để có thêm nhiều tiện ích, cũng có khi chỉ đơn giản là cái điện thoại cũ bị trục trặc… Những lần “lên đời” của tôi thì vợ tôi đều rất vui vẻ “hưởng sái” sau khi cái cũ chỉnh sửa, tuốt tát lại.
Đến thời điện thoại màn hình cảm ứng tôi cũng khuyên vợ nên đổi điện thoại mới cho tiện và nhiều chức năng. Vợ tôi lấy lý do là “tay em bị ra mồ hôi nên không tiện sử dụng loại đó” để từ chối vì phát sinh thêm chi phí. Ấy vậy mà khi tôi “lên đời” và để lại cái điện thoại Samsung Young thì vợ tôi rất vui vì nó là cái điện thoại cảm ứng đầu tiên mình được sử dụng mặc dù nó đã bị tróc sơn và có vài vết xước.
Vợ tôi thích cái điện thoại này lắm vì nó đã cũ nhưng rất bền và còn đang hoạt động tốt, pin khỏe lại có rất nhiều chức năng như một cái máy tính bé nhỏ. Vợ tôi hay lấy nó ra để chụp ảnh những đứa con thân yêu của mình để mở ra ngắm ngía như không biết chán. Lúc rảnh, vợ tôi lại mang máy ra để chơi điện tử, đọc báo, nghe nhạc…
Tôi tuy cũng đã biết tính tiết kiệm của vợ tôi, không muốn tiêu pha vào những thứ xa xỉ để dành tiền lo cho cuộc sống và sau này, mấy lần định mua điện thoại mới tặng vợ đều bị ngăn cản và thất bại. Hiện nay, sau khi sinh em bé nữa thì mắt vợ tôi dường như kém đi, muốn nhắn tin đôi khi phải đeo kính. Cái điện thoại Samsung Young có vẻ như quá nhỏ để nhắn tin và nhập thông tin cần thiết.
Tết này, đợi khi có thưởng tết, tôi sẽ không “xin ý kiến vợ” nữa để mang đến một món quà bất ngờ cho vợ bằng một điện thoại cảm ứng màn hình lớn để vợ tiện sử dụng. Đương nhiên, vẫn là hãng của cái điện thoại “hưởng sái” đầy uy tín với chính vợ tôi.
Đỗ Minh Thuyết
Từ ngày 14/1 đến 24/2, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi viết "Quà Tết yêu thương" để chia sẻ những cảm xúc, câu chuyện thú vị về món quà công nghệ dành tặng người thân. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |