Cùng nhìn lại 16 năm của BlackBerry
Hôm qua là sinh nhật lần thứ 16 của hãng BlackBerry (trước đây là Research In Motion), biểu tượng smartphone của người Canada kể từ khi ra mắt thiết bị nhắn tin hai chiều BlackBerry 850 vào năm 1999. Trong 16 năm ấy, hãng đã trải qua rất nhiều cột mốc, từng là biểu tượng công nghệ một thời, Blackberry tuột dốc không phanh trong một thời gian dài và mãi tới vài năm gần đây mới tìm lại được chỗ đứng ( dù vẫn còn rất bấp bênh).Hãy cùng nhau điểm lại những cột mốc đáng nhớ của BlacBerry (B.B) qua từng dòng điện thoại của hãng.
Giai đoạn 2007, là thời kỳ hoàng kim của người B.B khi giá cổ phiếu của công ty đạt ngưỡng cao nhất từ trước đến nay, gần 140 USD. Đây cũng là thời điểm danh tiếng bàn phím QWERY của hãng vang khắp thế giới, hệ điều hành B.B được đánh giá rất cao vì trình duyệt mail và ứng dụng lịch cực tốt.
Năm 2007 cũng là năm Apple giới thiệu mẫu iPhone đầu tiên với khái niệm màn hình cảm ứng. Giới lãnh đạo của B.B bấy giờ không xem Apple là đối thủ đáng lo ngại và mọi thứ bắt đầu thay đổi từ đó.
Một tháng sau khi Apple ra mắt mẫu iPhone 3G, B.B cũng đưa ra thị trường mẫu điện thoại mới nhất của mình, Bold 9000 nhưng vẫn không tập trung vào màn hình cảm ứng. Phải đến mẫu Storm 9530 dành cho nhà mạng Verizon, BB mới quan tâm đến vấn đề này, Storm ra đời với tính năng SurePress, cho phép gõ ký tự trên màn hình cảm ứng nhưng có cảm giác như sử dụng bàn phím vật lý QWERTY.
Storm 9530 không hỗ trợ kết nối Wi-fi vì B.B nghĩ như thế là đã đủ. Thực tế, mẫu này nhưng chóng thất bại trước cơn sốt iPhone của Apple. Không dừng lại, B.B tiếp tục ra mắt PlayBook, mẫu máy tính bảng đầu tiên của hãng nhưng lại không có ứng dụng mail và lịch, hai chức năng tốt nhất của B.B OS. Kết quả: PlayBook cũng chết yểu như Storm, nhưng hơn hết nó cho thấy công ty không suy nghĩ nghiêm túc về vị trí của mình đang bị đe dọa bởi Apple.
Phải đến mẫu B.B Bold 9900, BB mới cho thấy họ thực sự xem Apple là đối thủ. Bold 9900 có thiết kế giống Bold 9000 nhưng có màn hình cảm ứng. Công ty chuyển QNX OS, hệ điều hành sử dụng trên các máy tính bảng, thành B.B 10, đây là hệ điều hành được sử dụng trên các thiết bị B.B hiện tại.
Đáng tiếc, mọi chuyện quá trễ, thị phần B.B nhanh chóng bị chiếm vì đối thủ giờ không chỉ có Apple mà còn hàng loạt mẫu smartphone chạy hệ điều hành Android của Google, điển hình là Samsung.
Trong nỗ lực cứu vớt thị phần ngày teo tóp, nhiều lãnh đạo cao cấp đến rồi lại ra đi ở B.B, không ai trong số đó để lại ấn tượng cho đến khi ông John Chen lên cầm quyền.
Ông Chen nhanh chóng hợp tác với nhà sản xuất Foxconn để tấn công vào các thị trường mới nổi trong đó Foxconn lo phần thiết kế, sản xuất và hàng hóa, B.B chịu trách nhiệm về phần mềm. Sản phẩm đầu tiên của hiệp ước là B.B Z3 được đánh giá là khá thành công.
Ngay sau đó, hãng ra mắt mẫu smartphone tiếp theo nhưng lần này là dòng cao cấp: Passport. Kết hợp giữa màn hình cảm ứng và bàn phím vật lý huyền thoại của hãng, Passport được định vị dành cho phân khúc doanh nhân và nhanh chóng gây được tiếng vang trên thị trường. Tiếp theo, ông Chen đưa ra mẫu B.B Classic, giữ nguyên thiết kế gồm các phím chức năng và phím điều hướng quang học của các dòng sản phẩm trước đây. Classic được thiết kế cho các tín đồ của Bold 9900/9930, những người yêu thiết kế cổ điển nhưng mong muốn hệ điều hành B.B mới nhất.
Tuy nhiên, những thành công của B.B hiện tại không vớt vát được thất bại trong quá khứ, quan trọng hơn nó không làm cho giới đầu tư tin tưởng vào tình hình tài chính của công ty. Gần đây rộ lên nguồn tin Samsung đòi mua lại B.B với giá 7,5 tỉ USD nhưng công ty phủ nhận tin đồn.
Nhìn chung, ông Chen chỉ mới lên cầm quyền được hơn một năm và các chuyển biến của B.B được đánh giá là tích cực. B.B đón sinh nhật lần thứ 16 trong tâm trạng buồn, vui lẫn lộn. Vui vì hãng vẫn trụ được sau hàng loạt biến cố, buồn vì tương lai công ty vẫn chưa chắc chắn.