TP HCM đẩy mạnh phát triển công nghiệp vi mạch
Hội nghị "Sơ kết 2 năm triển khai chương trình phát triển vi mạch tại TP HCM" sáng 16/1. Ảnh: P.T. |
Phát biểu ở Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai chương trình phát triển vi mạch tại TP HCM sáng 16/1, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà, Trưởng ban chỉ đạo chương trình, cho biết UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 6358/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố giai đoạn 2013-2020”.
Theo ông Hà, thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 20 tỷ con chip các loại, là cơ sở để TP HCM quyết tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch với mong muốn trở thành một ngành kinh tế chủ lực, ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. "Đây sẽ là nền tảng cho sự phát triển chung, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, từ đó củng cố vị thế của TP HCM là mũi nhọn phát triển kinh tế, khoa học và kỹ thuật của cả nước", Phó chủ tịch thành phố nói.
Cụ thể, chương trình này nhắm đến các mục tiêu: Đào tạo thiết kế vi mạch; Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Phát triển thị trường vi mạch; Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm; Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch; Xây dựng nhà máy sản xuất chip; Xây dựng nhà thiết kế (Design House).
Trong quá trình triển khai, chương trình còn bổ sung thêm 3 đề án: Phát triển sản phẩm đầu cuối sử dụng vi mạch điện tử; Phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm vi mạch (Lab-to-Fab); Phát triển sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS). Những dự án này nhằm tạo nên một hệ sinh thái toàn diện cho ngành công nghiệp vi mạch của thành phố.
Đến nay, sau 2 năm triển khai chương trình đã bước đầu hoàn thiện các văn bản pháp lý, khảo sát nhu cầu chính sách và chương trình phát triển ngành vi mạch. Một số kết quả đã đạt được là thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu thiết kế chip, xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch, hợp tác quốc tế. Nhiều sản phẩm ứng dụng chip Việt đã được thương mại hóa thành công như chip SG-8V1, KIT DE-8V1, khóa container, thiết bị giám sát hành trình, điện kế điện tử, modem thu thập dữ liệu DCM, hệ thống quản lý ứng dụng RFID, thiết bị giám sát và định vị nguồn phóng xạ…
Ngành công nghiệp vi mạch được đánh giá là non trẻ nhưng đầy tiềm năng, trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao mũi nhọn của TP HCM.
Thi Trân