5 smartphone chụp hình đẹp nhất 2014
Xperia Z3 được trang bị camera sau 20,7 megapixel với đèn flash đơn và camera trước 2,2 megapixel. Máy ảnh chính sử dụng cảm biến 1/2,3 inch, lớn nhất trong số các smartphone Android.
Nhìn vào các thông số kỹ thuật, có vẻ Sony không cải tiến cho camera trên Z3, nhưng thực tế, hãng đã có những bổ sung giúp tăng chất lượng hình chụp. Đầu tiên là hệ thống quang học G Lens độc quyền của Sony với ống kính góc rộng 25 mm. Với những bức hình phong cảnh, chụp trong nhà hay chụp tập thể, Z3 Compact sẽ lấy được các chi tiết bao quát hơn. Ngoài ra phải kể đến việc Sony tăng độ nhạy sáng máy ảnh với thiết lập ISO cao nhất lên đến 12.800 hay độ mở ống kính đạt f/2.0, những trang bị rất ít gặp trên các mẫu smartphone.
Sony phát triển trình chụp ảnh với nhiều chế độ phong phú, giao diện trực quan. Tính năng chụp tự động "Superior Auto" hoạt động hiệu quả hơn thế hệ trước, nhận dạng các hoạt cảnh để đưa ra tùy chỉnh tương ứng dù rằng không phải lúc nào máy cũng cân bằng trắng chính xác. Hạn chế của Superior Auto còn là việc máy chỉ hỗ trợ độ phân giải 8 megapixel. Nếu muốn cân bằng trắng tốt hơn hoặc tận dụng tối đa độ phân giải máy ảnh, người dùng buộc phải chuyển sang chế độ chụp thủ công.
Những tính năng được đánh giá cao trên Xperia Z3 là quay video độ phân giải 4K, chế độ làm mờ hậu cảnh. So với các model dòng Z khác, sản phẩm tiền nhiệm của Sony quản lý năng lượng tốt hơn, giúp máy ít bị nóng và ít gặp lỗi khi quay phim độ phân giải cao – hạn chế gặp phải trên Xperia Z2.
Camera là trang bị thuộc hãng hấp dẫn nhất trên Note 4. Dù cùng có độ phân giải 16 megapixel như người đàn em Galaxy S5, Samsung đã bổ sung cho mẫu phablet thế hệ mới ống kính có khả năng chống rung quang học với cảm biến kích thước lớn của Sony. Thực tế, Note 4 là chiếc smartphone Galaxy có camera thuộc hàng tốt nhất hiện nay.
Nó có tốc độ khởi động camera, lấy nét và chụp nhanh. Khả năng xử lý ảnh trên sản phẩm để lại ấn tượng tốt hơn Note 3 cũng như S5 khi cho ra màu sắc trung thực, hình ảnh sáng và rất chi tiết. Nước ảnh của Note 4 trong và chế độ tự động của camera trên Note 4 đã hoạt động rất hiệu quả. Trong điều kiện thiếu sáng, phablet của Samsung cũng thể hiện khả năng xử lý ảnh tốt, cho ra hình ảnh sáng tốt hơn iPhone 6 nhưng vẫn chưa thể ấn tượng như trên dòng Lumia cao cấp của Nokia. Samsung khá tự tin nhưng đáng tiếc khi chỉ đem đèn flash trợ sáng dạng đơn lên sản phẩm.
Vẫn như thông lệ, tính năng là điều không bao giờ thiếu trên smartphone của Samsung và trên Note 4, người dùng có vô số các chế độ chụp hình mở rộng. Thậm chí, Samsung còn cho phép tải thêm từ trên kho ứng dụng của hãng các chế độ mở rộng. Ngoài chế độ chụp tự động thông thường và nhanh gọn, người dùng có thể tạo ra các bức ảnh động đáo và thú vị hơn như tạo ra các ảnh động, các bức ảnh selfie đẹp mắt, hay chụp chủ thể chuyển động nhanh dễ dàng, chụp liên tiếp...
Về tổng thể, camera của Note 4 vẫn nhắm đến cách dùng đơn giản và tự động khi Samsung chưa đem đến chế độ chỉnh tay linh hoạt khi chụp hình như HTC và Sony đã làm. Thay vào đó, người dùng chỉ được phép can thiệp vào một vài thông số quen thuộc như ISO, cân bằng trắng, bù trừ sáng hay điểm đo sáng... với giao diện tương đối phức tạp.
Vẫn giữ độ phân giải 8 megapixel nhưng khả năng lấy nét của máy nhanh hơn rất đáng kể. Cảm biến của camera 8 megapixel trên 6 Plus có điểm ảnh 1,5μ, lớn hơn trên iPhone 5S, hỗ trợ khẩu độ ống kính f/2.2. Chế độ chụp ảnh toàn cảnh Panorama sẽ có độ phân giải lên tới 43 megapixel.
Thời gian để lấy nét gần như là ngay lập tức mỗi khi người dùng giữ máy lại trước khung cảnh định chụp. Việc chỉnh sáng tối rất đơn giản bằng cách chạm điểm lấy nét và trượt lên xuống. Thao tác này nhanh và tiện dụng hơn rất nhiều so với việc bật tinh chỉnh và xoay +/-EV trên các máy chuyên chụp ảnh của Android. Về chất lượng ảnh, iPhone 6 Plus không thuộc dạng xuất sắc nhưng là đủ và trung tính nhất với nhiều điều kiện chụp khác nhau. Màu sắc của máy vừa đủ và cho cảm giác mịn màu và tương phản tốt. Ảnh chụp với các vùng chênh sáng không bị cháy hay lóe sáng rõ ràng. Với các ảnh chụp chân dung ngược sáng, máy nhận sáng khá tốt với chủ thể hoặc người cầm máy có thể chủ động tăng sáng nhanh dễ dàng.
Ngoài chụp ảnh, hai chế độ quay rất thú vị đi kèm trên iOS 8 cũng gây nhiều thiện cảm trên iPhone 6 +. Chế độ quay Time-lapse cho phép "tua" nhanh thời gian trong khi Slo-mo giúp người dùng tạo ra các thước phim quay chậm mang đậm tính điện ảnh từ những khung cảnh rất đời thường.
Giống như hai đàn anh Lumia cao cấp 1520 hay 1020, Lumia 930 là chiếc smartphone có chức năng chụp hình chuyên nghiệp nhất trên thị trường hiện nay, cho phép người chụp can thiệp sâu và tinh chỉnh nhiều thứ giống như trên máy ảnh DSLR. Song song với ứng dụng phổ thông dễ sử dụng Camera của Windows Phone, hãng còn phát triển ứng dụng Nokia Camera riêng biệt.
Ở phiên bản mới nhất xuất hiện trên 930, Nokia Camera không có nhiều thay đổi khi vẫn đem đến cho người dùng khả năng chỉnh thủ công nhiều thứ, từ ISO, tốc độ màn trập, cân bằng trắng, bù trừ sáng cho tới cả việc lấy nét... bằng hệ thống giao diện xoay tiện dụng. Một bổ sung nhỏ mới đây là chế độ chụp ảnh động Live Images, chụp nhiều tấm liên tục trong một khoảng thời gian ngắn, khi xem lại sẽ mô tả ảnh dưới dạng chuyển động ngắn rồi mới đến bức ảnh tĩnh. Nếu không thích, người dùng có thể tắt chế độ này đi, thực tế nó không hữu dụng.
Giống như thiết kế, camera của Lumia 930 dung hòa và làm hài lòng nhiều người dùng hơn so với 1520 và 930. Xét về phần cứng, cả 930 và 1520 đều sử dụng cảm biến 20,7 megapixel với ống kính Zeiss cao cấp, đi kèm công nghệ PureView cùng với đèn flash kép. Còn so với 1020, thông số cảm biến và camera của Lumia 930 không sánh bằng nhưng kế thừa được những trang bị đáng giá như ống kính Zeiss với khả năng chống rung quang học OIS hay công nghệ PureView.
Xét về tổng thể, Lumia 930 sở hữu khả năng chụp hình ngang ngửa với các dòng máy ảnh du lịch tầm 3,4 triệu đồng. Camera mang tới chất ảnh trong, ít nhiễu dù trong điều kiện ánh sáng yếu. Màu sắc ấm với dải tương phản rộng và độ chi tiết ấn tượng. Ở các bức hình cận cảnh, camera từ chiếc Lumia cũng thể hiện bokeh mềm mại, hấp dẫn. Với người dùng chuyên nghiệp, các bức ảnh từ Lumia 930 cho khả năng hoàn thiện hậu kỳ tốt, nó hỗ trợ định dạng RAW và ít bị can thiệp từ phần mềm xử lý có sẵn. Tuy nhiên, để chiều lòng cả người dùng phổ thông, Microsoft không quên trang bị khá nhiều phần mềm chụp hình mở rộng khác như Story Teller (album ảnh liên kết nhiều thông tin), Cinema Graph (chụp ảnh động)...
HTC vẫn sử dụng công nghệ ultrapixel độ phân giải 4 megapixel trên camera chính của mình, ngoài điểm đặc biệt nhất là máy có thêm một camera nữa ở phía sau. Nhiệm vụ của camera phụ này có chức năng lấy nét các vùng xung quanh và phía sau điểm lấy nét chính. Nhờ đó One M8 là smartphone đầu tiên có khả năng chụp trước lấy nét sau bằng phần cứng hiện nay. Và nhớ camera phụ này thì khả năng xoá phông trên One M8 ấn tượng hơn hẳn so với các model khác.
One M8 cũng đã khắc phục được nhược điểm ám tím xuất hiện trên đàn anh của mình. Sản phẩm cho hình ảnh với màu sắc trung thực với giải màu rộng. Nhờ công nghệ Ultrapixel nên máy có khả năng thu sáng tốt nhưng cũng vì vậy khi chụp ảnh có độ chênh sáng cao thì vùng sáng thường bị mất chi tiết.
HTC cũng trang bị cho siêu phẩm của mình khả năng tuỳ chỉnh các thông số trên camera từ EV, ISO cũng như cân bằng trắng giống như trên các máy ảnh chuyện nghiệp giúp người dùng có thể tuỳ chỉnh trong từng trường hợp để có hình ảnh chất lượng tốt nhất.
Về camera trước HTC cũng đã ưu ái cho người dùng thích chụp ảnh selfie khi nâng độ phân giải lên 5 megapixel. Với góc chụp rộng thì camera trước của M8 thì người dùng có thể chụp theo nhóm dễ dàng.
Huy Đức