WannaCry cảnh báo mối nguy cổng hậu trên sản phẩm số
"WannaCry là ví dụ rõ ràng về sự khó khăn để giữ bí mật trong thời đại số", Cooper Quintin, chuyên gia công nghệ thuộc tổ chức Electronic Frontier Foundation nhấn mạnh.
Nhiều năm qua, chính phủ Mỹ đã liên tục thuyết phục các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Microsoft xây dựng "cổng hậu" (backdoor) vào sản phẩm của họ. Cụ thể, các hãng sẽ nắm một bộ khóa mã riêng phòng khi các nhà thực thi luật pháp cần đến để truy cập điện thoại và máy tính của người sử dụng.
Các công ty công nghệ thường xuyên nhận được lệnh từ chính phủ, tòa án... trong việc giúp các nhà chức trách tìm kiếm thông tin liên quan đến nghi phạm. Tuy vậy, ngành công nghệ luôn phản đối việc tạo cổng hậu với lý do cần tôn trọng và bảo vệ sự riêng tư của người dùng.
Tâm điểm trong cuộc tranh cãi này là cuộc chiến giữa Apple và FBI hồi đầu năm 2016. Khi đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ nhờ tòa án yêu cầu Apple mở cổng hậu nhằm truy cập điện thoại của tên khủng bố Syed Farook. FBI hứa hẹn chỉ cần một phần mềm có thể mở khóa iPhone 5c, sau khi hoàn tất, Apple có thể giữ lại phần mềm hoặc hủy nó theo ý muốn.
Tuy nhiên, Apple kiên quyết phản đối, thậm chí viết "tâm thư" gửi khách hàng và nhân viên rằng mở cổng hậu trên điện thoại là hành động nguy hiểm. Theo Tim Cook, CEO Apple, câu chuyện không đơn giản dừng lại ở một chiếc iPhone hay một cuộc điều tra cụ thể mà sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người. Trong tương lai, nếu phần mềm này rơi vào tay kẻ xấu thì chúng có thể mở khóa bất cứ chiếc iPhone nào mà chúng có được.
Phần mềm nào cũng tồn tại lỗi, không có chương trình nào an toàn 100%. Do đó nguy cơ chính phủ các nước khác hoặc hacker tìm ra cách khai thác lỗ hổng và khống chế cổng hậu là hoàn toàn có thể xảy ra.
WannaCry đã cho thấy điều đó. Nó lợi dụng lỗi trong hệ thống Windows để nắm giữ thông tin của người dùng sau đó đòi tiền chuộc. Dù mới bùng phát cuối tuần trước, mã độc tống tiền này đã lây lan trên ít nhất 200.000 máy tính ở 150 nước.
"Dù bạn thiết kế cổng hậu với mục đích phục vụ luật pháp, thì cũng chẳng có cách nào đảm bảo được là kẻ xấu không chiếm được nó", luật sư Neema Singh Guliani thuộc Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ cho hay.