Lý do iPhone 8 chuyển sang màn hình AMOLED
Một số nguồn tin cho biết, nhân kỷ niệm 10 năm iPhone ra đời, Apple sẽ phát triển một phiên bản smartphone đặc biệt, không sử dụng màn hình tinh thể lỏng mà lựa chọn công nghệ diode phát quang hữu cơ mang tên AMOLED.
Báo Washington Post cho hay, sự khác biệt lớn nhất giữa LCD và AMOLED là đèn nền. Màn hình LCD trên điện thoại Apple hiện nay tích hợp đèn chiếu sáng phía sau màn hình. Ngược lại, AMOLED không cần lớp bổ sung này mà các điểm ảnh của nó có thể tự phát sáng khi dòng điện đi qua.
Nhờ đó, AMOLED mỏng hơn, giúp tạo nên những thiết bị mỏng nhẹ. Màu sắc hiển thị cũng sinh động và độ tương phản tốt hơn. Đây chính lý do các nhà sản xuất TV đang đưa công nghệ OLED lên màn hình lớn. Do không cần đèn nền, AMOLED còn tiết kiệm điện năng hơn.
Công nghệ OLED giúp Apple sản xuất iPhone mỏng hơn với màn hình cong. |
Vậy tại sao Apple lại chưa chuyển sang AMOLED trong khi các đối thủ như Samsung hay LG đã trang bị công nghệ mới cho smartphone từ lâu?
LCD cũng có những lợi thế nhất định, đủ để Apple tin dùng suốt 10 năm qua. Nó hiển thị màu sắc trung thực hơn AMOLED và nhờ có đèn nền nên màn hình sáng hơn, dễ dàng quan sát được từ nhiều góc và quan trọng nhất là chi phí sản xuất LCD thấp hơn.
Sản xuất màn hình AMOLED đắt đỏ và khá phức tạp. Nhu cầu mua sắm iPhone rất lớn, nhất là mỗi khi sản phẩm mới lên kệ và Apple cần chắc chắn dây chuyền có thể đảm bảo chất lượng cho màn hình, dù sản xuất với số lượng lớn trong một thời gian ngắn.
Vì thế, một số chuyên gia tin rằng sẽ chỉ có một trong ba phiên bản iPhone, dự kiến trình làng trong tháng 9/2017, tích hợp AMOLED do Apple lo ngại không sản xuất đủ iPhone với màn hình mới để đáp ứng nhu cầu.
Việc chuyển sang AMOLED cũng có thể khiến mẫu iPhone kỷ niệm 10 năm có giá vọt lên trên 1.000 USD, tức cao hơn cả iPhone 7 Plus đắt nhất hiện nay. Dù vậy, các trang công nghệ cho rằng sự thay đổi này xứng đáng với cái giá phải trả. Đẹp và sang thì không thể có giá rẻ.