Đôi loa trị giá 34 tỷ đồng
Cặp loa Enigma Veyron EV-1 của hãng Kharma International, một công ty Hà Lan chuyên sản xuất thiết bị âm thanh hi-end và độc nhất, đang nắm giữ danh hiệu cặp loa đắt nhất thế giới với giá xấp xỉ 1,5 triệu USD (khoảng 34 tỷ đồng). Quá trình sản xuất ra Enigma Veyron EV-1 được ví như việc tìm ra chiếc "Chén Thánh" trong lĩnh vực âm thanh khi chất lượng tái tạo âm thanh từ Veyron được đưa lên một mức cao mới, bên cạnh phong cách thiết kế sang trọng, đẳng cấp.
Điều gì đã làm lên đẳng cấp của Enigma Veyron EV-1?
Một hệ thống âm thanh Enigma Veyron, ngoài cặp loa EV-1, còn kèm theo một dàn thiết bị cao cấp như loa siêu trầm, ampli, dây cáp và kệ máy… tạo thành một bộ dàn hi-end hoàn chỉnh, sẵn sàng làm vừa lòng người nghe khó tính nhất.
Về tổng thể, loa Enigma Veyron EV-1 có kết cấu chắc chắn, nặng tới 520kg với chiều dày thùng loa tới 10 cm được gia công từ gỗ sến bởi máy gia công 5 trục. Chiều cao tổng của Enigma Veyron EV-1 từ mặt sàn đến đỉnh là 2,3 mét. Phong cách thiết kế lịch lãm với cấu trúc loa hình viên đạn. Nhà sản xuất đã sử dụng các hạt bi gốm trên bề mặt kim cương để giảm việc tiếp xúc giữa loa thành phần với thùng loa. Chân loa được vót nhọn, gắn kim cương. Những yếu tố này đều giúp Enigma Veyron EV-1 loại bỏ gần như hoàn toàn rung động và cộng hưởng, kẻ thù truyền kiếp của thiết bị âm thanh thực.
Đi vào chi tiết, Enigma Veyron EV-1 là loại loa 4 đường tiếng với tổng cộng 14 loa con. Các loa thành phần đều được áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất thế giới: 4 loa trầm loại 11 inch, 2 loa trung - trầm loại 7 inch đều sử dụng củ loa Omega-F được phát triển độc quyền bởi Kharma, 4 loa trung tần và 4 loa cao âm sử dụng công nghệ phủ kim cương màng loa.
Chữ F trong Omega-F là viết tắt của dòng loa không có Fucô gây méo, nhiễu tín hiệu loa. Về cơ bản, loa hoạt động được nhờ một cuộn dây (coil) được đặt trong từ trường của nam châm vĩnh cửu, khi có dòng điện chạy qua, cuộn dây dao động theo tần số của dòng điện. Cuộn dây này được gắn cố định với màng loa, màng loa dao động tạo ra sóng âm truyền tới tai người nghe. Nhược điểm cố hữu là cuộn dây này cũng gây ra dòng điện Fu-cô cảm ứng vào các thành phần sắt trong loa, dòng điện này lại tác động ngược lại gây méo cuộn dây, suy giảm tín hiệu, làm cho âm thanh không rõ nét. Với Omega-F, đây là lần đầu tiên nguyên tố sắt không được sử dụng trong hệ chấn động của loa, giúp cuộn dây đáp ứng nhanh hơn, ít méo hơn, đem lại hiệu quả trông thấy: âm thanh có độ phân giải cao hơn hẳn, chính xác, trung thực và tinh tế hơn, dải phổ âm rộng mở hơn từ tiếng nhạc cụ, âm thanh thiên nhiên, tiếng một vụ nổ, cho đến những âm thanh cuộc sống khác…
Tất nhiên, những công nghệ màng loa mới nhất cũng được áp dụng trong những chiếc loa Omega-F này. Kharma tuyên bố, loại sợi họ dùng để làm màng loa tương tự loại sợi được làm trong vỏ tên lửa hoặc xe đua công thức một. Trước khi sản xuất, chúng được mô phỏng chuyển động và biến dạng bằng các phần mềm đồ họa 3D và phân tích bằng phương pháp phần tử hữu hạn trên máy tính. Mục tiêu là tạo ra màng loa đáp ứng theo tần số dòng điện một cách nhanh nhất, ít biến dạng nhất, đem lại âm thanh giống thực tế nhất.
Với sự có mặt của công nghệ phủ kim cương tăng cứng cho màng loa trung và cao âm, dải tần số tái hiện âm thanh của Enigma Veyron EV-1 đã lên tới 90kHz - trong khi công nghệ làm màng loa cao âm bằng nhôm phổ biến hiện nay mới chỉ tái hiện được tới tần số 18kHz. Mặc dù tai người chỉ nghe được đến tần số 20kHz, nhưng vì các loa cao âm (tweeter) với màng phủ kim cương có thể làm việc vượt và ổn định tại tần số này nên khi thưởng thức âm thanh từ Enigma Veyron EV-1, bạn có thể nghe được âm thanh rõ ràng, sắc nét ngay cả những tiếng rít chói tai nhất.
Về loa tweeter, một loa tweeter hoàn hảo cần hội tụ 3 đặc điểm: trọng lượng màng nhẹ, độ cứng cao và độ cộng hưởng thấp nhất. Các màng loa hiện tại thường được làm bằng lụa, nhôm hoặc vật liệu Bery (nguyên tố độc hại với người chế tạo). Ưu điểm của các vật liệu này nói chung là rẻ tiền và dải tần số tái tạo không thể đạt tới 20kHz hoặc nếu đạt thì cũng không ổn định. Với tweeter kim cương, độ dày cũng như khối lượng màng giảm đến mức tối thiểu mà vẫn đảm bảo độ cứng, cộng hưởng nội tại màng cũng biến mất. Điều này giúp loa tái hiện chính xác những âm thanh tần số cao và người nghe thậm chí còn có thể cảm nhận được âm thanh có âm động cực nhỏ, giúp dân chơi loa tiến gần đến âm thanh thực hơn.
Là một hệ thống âm thanh, Enigma Veyron EV-1 cũng bao gồm 8 loa siêu trầm đường kính 15 inch có thể chơi âm thanh tần số 17Hz, mỗi loa nặng 210 kg làm từ gỗ sến dày 10cm và nhôm dày 4cm, sử dụng chân đế kim cương để cách ly hoàn toàn với nền đế mà nó đặt lên. Các phụ kiện khác như dây tín hiệu làm bằng nhôm nguyên chất hay các cổng kết nối được phủ kim loại quý giúp người chơi không phải lo lắng gì về vấn đề nhiễu khi truyền dẫn tín hiệu.
Cuối cùng, để tạo ra sự hài hòa cho các loa siêu trầm và các loa thường, hãng còn tạo một phần mềm để có thể cài trên điện thoại hay máy tính bảng của người nghe. Từ đó, người dùng tự thiết lập, tinh chỉnh tín hiệu loa theo từng phòng nghe, tối ưu âm thanh một cách chân thực nhất.
Phong Trần