Cảnh giác chiêu 'câu' sim, biến iPhone lock thành iPhone quốc tế
Mới đây, một kỹ thuật viên điện thoại đã chia sẻ cách thức biến iPhone 5s lock thành iPhone 5s phiên bản quốc tế bằng thủ thuật "câu" sim ghép (bảng mạnh nhỏ kết nối với thẻ sim đang sử dụng nhằm đánh lừa iPhone rằng đây là sim của nhà mạng). Cách thức này cũng có thể được áp dụng đối với các phiên bản iPhone khóa mạng mới hơn như iPhone 6, 6s…
Sim ghép được gắn phía sau bảng mạch, kết nối bằng dây đồng nên rất khó phát hiện bằng mắt thường, phải tháo máy mới thấy được. Ảnh: Phong Nhỏ. |
Cụ thể, những "tay" thợ đầu tiên sẽ vô hiệu hóa chân sim máy. Khung lắp sim vẫn giữ nguyên không có gì thay đổi, nhưng các chân sim này không còn kết nối trực tiếp với mainboard mà nối với sim ghép được dán ở mặt sau thông qua dây đồng. Về cơ bản, cách thức này tương tự việc xài sim ghép, nhưng thay vì ghép ngay dưới sim, sim ghép sẽ được giấu phía sau nhằm mục đích đánh lừa.
Thông thường, việc sử dụng sim ghép thường đi kèm với các lỗi vặt như sóng không ổn định, mất sóng, không thể truy cậy mã USSD *101# hay *100# để xem số dư tài khoản hay nạp tiền mà phải gọi 900 hoặc 901, phải nhập mã quốc gia +84xxx để danh bạ hiển thị đúng… Tuy nhiên, các tay thợ có thể sửa các lỗi này bằng các công cụ như Cydia, Wimax… và nếu không phải người từng sử dụng iPhone lock hoặc am hiểu iPhone, người dùng rất dễ bị "qua mặt".
Theo anh Đào Nhật Huy, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh iPhone, iPad tại quận 10, TP HCM, đây là "chiêu thức" không phải mới, mà đã xuất hiện từ thời iPhone 4. "Những vụ đánh lừa người dùng với chiêu thức 'câu' sim ghép khi đó đã bị phát hiện và bị lên án một thời gian. Tuy nhiên, sau đó lại tiếp tục được các gian thương âm thầm áp dụng", anh Huy chia sẻ.
Cũng theo anh Huy, giá một chiếc iPhone 5s lock hiện chỉ hơn 2 triệu đồng, trong khi bản quốc tế có giá 4 triệu đồng nếu mua xách tay hoặc gần 7 triệu đồng nếu mua chính hãng. Mức giá iPhone 6, 6s giữa các bản khóa mạng với quốc tế cũng chênh lệch vài triệu đồng trở lên và đây là lý do nhiều gian thương cố ý đánh lừa người dùng.
Do đó, khi mua iPhone xách tay, người dùng nên đi cùng người nào am hiểu thiết bị này để kiểm tra sản phẩm, hoặc cũng có thể tự mình làm điều đó bằng cách reset lại từ đầu. Nhưng cách tốt nhất là restore lại iPhone, bởi khi thực hiện thao tác này, iPhone sẽ phải fix lại lỗi, phải active như các dòng máy lock khác.
"Nhu cầu mua điện thoại, đặc biệt là iPhone cuối năm tăng khá cao nên sẽ có nhiều chiêu lừa kiểu như thế này. Do vậy, người mua nên cần tỉnh táo để tránh gặp phải hàng kém chất lượng", anh Huy cảnh báo.
Bảo Lâm